GIỚI TÍNH

Nhiễm trùng tiểu thai kỳ dễ hỏng thận và ảnh hưởng xấu đến thai kỳ

  • Tác giả : BS Vũ Thị Kim Ngọc
Nhiễm trùng tiểu thường gặp trong thai kỳ và nếu không được điều trị có thể tiến triển nặng gây nhiễm trùng thận và ảnh hưởng xấu đến thai kì. Thông thường điều trị bằng kháng sinh để chữa khỏi nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.

Nhiễm trùng tiểu là gì và các triệu chứng thường gặp?

Nhiễm trùng tiểu thông thường là do vi trùng xâm nhập vào nước tiểu. Các triệu chứng có thể phụ thuộc vào việc vi trùng đã di chuyển đến đâu trong đường tiết niệu, có thể gây ra:

Nhiễm trùng tiểu không triệu chứng . Trong tình huống này, vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Bạn chỉ biết mình mắc bệnh nếu xét nghiệm nước tiểu.

Nhiễm trùng bàng quang (Viêm bàng quang) rất phổ biến, cả ở phụ nữ mang thai và không mang thai. Các triệu chứng điển hình là đau rát khi đi tiểu và đi tiểu thường xuyên hơn. Bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng khác như đau bụng dưới, tiểu ra máu và hoặc tăng thân nhiệt.

Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng tiểu?

Hầu hết nhiễm trùng nước tiểu là do vi trùng đến từ ruột. Chúng không gây hại cho ruột nhưng có thể gây nhiễm trùng nếu chúng xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể. Một số vi trùng nằm xung quanh hậu môn (phân), những vi trùng này đôi khi có thể di chuyển đến niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) và vào bàng quang.

Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam giới, vì niệu đạo ngắn hơn và gần hậu môn hơn. Phụ nữ có thai cũng dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn phụ nữ không mang thai. Điều này một phần là do sự thay đổi nội tiết tố của thai kỳ ảnh hưởng đến đường tiết niệu và có xu hướng làm chậm dòng chảy của nước tiểu.

Nó cũng có thể là do tử cung lớn đè lên bàng quang và ngăn cản nó thoát nước. Nếu nước tiểu không thoát nhanh khỏi bàng quang, vi trùng có cơ hội sinh sôi và gây nhiễm trùng.

Ít phổ biến hơn có thể do các nguyên nhân khác như đặt một ống (gọi là ống thông) vào bàng quang, vi trùng sẽ dễ dàng trực tiếp đến bàng quang hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Một số người bệnh có hệ miễn dịch kém, vi trùng có thể vào máu gây nhiễm trùng máu.

Nhiễm trùng tiểu thai kỳ

Nhiễm trùng tiểu thai kỳ

Nhiễm trùng tiểu có ảnh hưởng đến thai kỳ không?

Nếu bị nhiễm trùng tiểu khi mang thai và không điều trị, nó có thể gây ra biến chứng như chuyển dạ sớm hoặc sinh con nhẹ cân. Viêm đài bể thận không phổ biến nhưng có thể phát triển như một biến chứng từ nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang) hoặc từ nhiễm trùng tiểu không triệu chứng.

Khi nào kiểm tra nước tiểu ở phụ nữ mang thai?

Xét nghiệm nước tiểu sẽ được làm sớm khi có thai.

Thông thường bạn sẽ được kiểm tra nước tiểu vào mỗi lần khám thai. Mức độ thường xuyên phụ thuộc vào việc thai kỳ đang tiến triển như thế nào và liệu có bất kỳ vấn đề hoặc biến chứng nào hay không.

Điều trị nhiễm trùng nước tiểu trong thai kỳ?

Thuốc kháng sinh: Có một số loại kháng sinh khác nhau có thể giúp ích. Bác sĩ sẽ chọn loại nào phù hợp với người bệnh nhất. Một đợt kháng sinh kéo dài bảy ngày là phương pháp điều trị thông thường và triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, điều rất quan trọng là phải dùng thuốc đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc lựa chọn kháng sinh có thể khác khi bạn đang mang thai. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng nước tiểu ở phụ nữ mang thai là an toàn để sử dụng trong thai kỳ không gây hại cho mẹ và thai.

Bệnh nhân nên đi khám nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc tăng lên sau một vài ngày. Một số vi trùng kháng lại một số loại kháng sinh. Điều này có thể được xác định từ các xét nghiệm nước tiểu. Cần thay đổi loại kháng sinh nếu vi khuẩn được phát hiện có khả năng kháng lại loại kháng sinh đầu tiên.

Lưu ý : Nếu bạn đang mang thai, việc điều trị bằng thuốc kháng sinh thường được khuyên dùng cho dù bạn có triệu chứng hay không. Điều này hơi khác so với điều trị nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang) ở phụ nữ không mang thai.

Nên làm thêm một mẫu xét nghiệm nước tiểu khi bạn đã uống hết thuốc kháng sinh. Điều này sẽ giúp kiểm tra nhiễm trùng đã được điều trị đúng cách hay chưa.

Thuốc giảm đau: Paracetamol thường sẽ làm dịu cơn đau, khó chịu hoặc sốt.

Uống nước: Nếu bị viêm bàng quang thì nên uống nhiều nước là lời khuyên truyền thống để thải độc qua bàng quang. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy điều này là hữu ích khi bị viêm bàng quang.

Một số bác sĩ cho rằng nó không giúp ích gì và uống nhiều có thể gây đau rát nhiều hơn do phải đi vệ sinh nhiều lần.

Vì vậy, rất khó để đưa ra lời khuyên về việc nên uống nhiều hay chỉ uống bình thường khi bạn có các triệu chứng nhẹ của bệnh viêm bàng quang. Tuy nhiên, nếu bạn bị sốt và mệt mỏi, uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể tránh bị thiếu nước.

BS Vũ Thị Kim Ngọc (Khoa Nội Tiết – Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định)

BS Vũ Thị Kim Ngọc

BẢN DESKTOP