Hỏi: Tôi mới đi nội soi và làm xét nghiệm, được chẩn đoán có polyp + viêm loét dạ dày và dương tính với HP. Tôi nghe nói HP gây ung thư dạ dày, không biết có đúng không? Khi nào cần điều trị HP?
Nguyễn Thu Phương (Hà Nội)
Nhiễm khuẩn HP có gây ung thư dạ dày? |
Trả lời: Theo thống kê, hơn 70% số người Việt Nam mang vi khuẩn HP. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mang vi khuẩn cũng gây bệnh lý của đường tiêu hoá.
Vi khuẩn HP cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày, nhưng tỷ lệ người nhiễm HP tiến triển thành ung thư dạ dày chỉ khoảng 1%, chứ không phải ai mắc vi khuẩn HP sẽ bị ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có tới hơn 200 loại. Nhiễm loại HP mang gen CagA có độc lực cao, làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, chỉ có số ít loại HP mang gen này.
Bệnh nhân có thể làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không. Nếu có, nghĩa là nguy cơ trở thành ung thư dạ dày trong tương lai, cần có kế hoạch điều trị diệt vi khuẩn và theo dõi bệnh định kỳ, nhằm phát hiện, xử lý sớm.
Điều trị diệt HP được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Khi vi khuẩn gây ra viêm, loét dạ dày tá tràng, thiếu máu do thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư dạ dày đã được điều trị.
- Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày như: Người có tiền sử gia đình mắc ung thư, polyp dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày và người thường xuyên phải sử dụng thuốc chống viêm giảm đau.
- Một số tổn thương đặc biệt như Maltoma dạ dày do vi khuẩn HP.
ThS.BS Trần Đức Cảnh (Bệnh viện K)