Đời sống

Nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh căng băng rôn kêu cứu vì lương "bỏ đói"

  • Tác giả : Nguyên Khôi
Chỉ nhận số lương "bỏ đói" từ 1-3 triệu/tháng, thậm chí tháng 12 không lương, các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã "xuống đường", căng băng rôn kêu cứu.
bs-bi-bo-doi.jpg
4h30 chiều 12/1, nhân viên y tế ở Bệnh viện Tuệ tĩnh căng băng rôn đòi quyền lợi.

Chiều 12/1, hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã căng băng rôn yêu cầu trả lương. Nguyên nhân là suốt hơn 8 tháng qua, họ bị nợ 50% số lương cơ bản. Số lương mà họ được nhận chỉ còn từ 1-3 triệu đồng/tháng. Riêng tháng 12, toàn bộ nhân viên tại bệnh viện không được được bất cứ đồng lương nào.

nhan-vien-tue-tinh(1).jpg
Nhân viên y tế  căng băng rôn yêu cầu được trả lương.

Chị Lê Thanh Bình, kế toán viên, Tổ trưởng Tổ Công đoàn tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc cho biết, toàn bộ bệnh viện có 160 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó đa số là điều dưỡng có bằng trung cấp, cao đẳng, phần lớn bác sĩ cũng là nhân viên hợp đồng, không có biên chế nên mức lương rất thấp.

Từ khi bệnh viện cắt giảm 50% lương, hiện tại mức lương trung bình của nhân viên y tế tại bệnh viện chỉ giao động từ 1-3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng nhà xa, hàng ngày đi xe máy hàng chục km đến bệnh viện làm việc, nhiều cặp vợ chồng bác sĩ, điều dưỡng trẻ từ các tỉnh lên Hà Nội thuê nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn.

benh-vien-tue-tinh.jpg

"Đại diện công đoàn cũng như tập thể nhân viên y tế bệnh viện đã nhiều lần có ý kiến nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết mà ngày càng tồi tệ hơn khi tháng 12 toàn bộ nhân viên bệnh viện không nhận được bất cứ đồng lương nào”, chị Bình nói.

Theo chị Bình, nguyên nhân của tình trạng nợ luơng bắt đầu từ khi bệnh viện chuyển sang tự chủ. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện trước đó.

benh-vien-tue-tinh-2.jpg

Tháng 6/2019 người lao động nhận được quyết định từ lãnh đạo bệnh viện, đến tháng 12/2019 toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ.

Chị Nguyễn Thị Duyên, Điều dưỡng khoa Thần Kinh cho biết, cả tuổi thanh xuân của chị đã cống hiến ở bệnh viện này. Năm nay, năm hết Tết đến mà chẳng có gì. Mỗi tháng lương được 3 triệu đồng, chị phải đi xe 30km mới tới cơ quan. Chị chẳng ngại vất vả, khó khăn, nhưng với số tiền của nhân viên y tế không bằng người giúp việc gia đình khiến mọi người xót xa. 

Chị Nguyễn Thị Vân, điều dưỡng Khoa Khám bệnh bức xúc cho biết, rất nhiều lần đòi quyền lợi, chị và các đồng nghiệp khác bị lãnh đạo Học viện phê bình vì bãi công trong giờ làm.

benh-vien-tue-tinh-4.jpg

Trong khi đó, trong những lần viết đơn cầu cứu, các cán bộ y bác sĩ đều đợi hết giờ làm mới tiến hành vì sợ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Chị Vân và các đồng nghiệp của mình không bao giờ bỏ việc mà họ tìm cách đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.

benh-vien-tue-tinh-5.jpg

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam cho biết, bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019 - 2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, bệnh viện không đạt được kế hoạch như dự kiến.

Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện chỉ dành ưu tiên trả lương một số khoản chi nhất định, các khoản chi thường xuyên khác phải tạm ứng từ bệnh viện và vay từ các nguồn khác để chi trả.

Năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh, số lượng bệnh nhân tới khám giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Tình hình tài chính của bệnh viện đã khó khăn lại càng thêm khó. Bệnh viện tiếp tục phải vay từ học viện để chi trả. Tính tới 31-12-2020, số tiền bệnh viện chi vượt quá là hơn 9 tỉ đồng.

Năm 2021, dịch bệnh, bệnh viện giãn cách và bệnh nhân giảm, tăng chi phí đảm bảo phòng chống dịch. Bệnh viện đã thực hiện nhiều cắt giảm, xin bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ từ công đoàn y tế, tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng nợ lương trong 6 tháng vừa qua.

Theo ông Tuấn, với những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, học viện đề xuất xin tạm dừng loại hình là đơn vị chi thường xuyên (tự chủ) sang tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Việc tạm dừng tự chủ sẽ giúp cho bệnh viện giải quyết được những khó khăn trước mắt, ổn định đời sống cho nhân viên y tế tập trung phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh.

Nguyên Khôi

BẢN DESKTOP