H.Đ.N (trú tại Đà Nẵng) là nghi phạm đầu tiên bị tạm giữ. Nhiều nhân viên của 13 ngân hàng thương mại cổ phần ở một số địa phương cũng bị triệu tập tình nghi liên quan đến vụ án.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) dẫn quy định tại Nghị định 117/2018/NĐ-CP, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và pháp luật có liên quan; phải giữ bí mật, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà chủ thể làm lộ thông tin tài khoản của khách hàng có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường khi gây ra thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP, xử phạt tổ chức tín dụng đối với hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích là 60 đến 80 triệu đồng. Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với cá nhân chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý. Trường hợp thông tin thuộc về bí mật cá nhân thì mức phạt tiền là 20 đến 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hành vi làm lộ thông tin khách hàng (tài khoản ngân hàng) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 291 BLHS năm 2015 quy định tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Hình phạt tội này có thể lên đến 7 năm tù.
Nếu có căn cứ cho rằng các nhân viên ngân hàng giúp sức cho các hoạt động lừa đảo thì còn có thể bị khởi tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS với vai trò đồng phạm...