Thời sự

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7: "Ký ức về liệt sĩ làng Lai"

  • Tác giả : Khánh Thủy 
(khoahocdoisong.vn) - Cũng như bao làng quê khác, Lai Xá có nhiều người con đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường trong cả hai cuộc kháng chiến, lẫn trong chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là một hoạt động tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc khi tháng 7 đến.

Ngày 25/7/2019, triển lãm “Ký ức liệt sĩ làng Lai” được khai trương tại làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Lai Xá cho biết, làng Lai Xá giàu truyền thống yêu nước, chỉ một ngôi làng rất nhỏ nhưng có tới 70 liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Việt Trung. Từ lâu, nhiều người tâm huyết trong làng ấp ủ ý tưởng, có một nơi tưởng niệm những người đã hy sinh. 

Những kỷ vật sống mãi với thời gian

Bước vào không gian trưng bày, phía bên tay trái là những dòng ký ức đậm sâu được trích ra từ cuốn nhật ký của liệt sĩ Phạm Uy, một người con của làng Lai Xá. Những câu viết tràn đầy cảm xúc như: “Con đi mẹ yên tâm, con yêu mẹ”, “Tôi đi để mai đây em tôi sạch hơn, đẹp hơn, sướng hơn”... đó là những tâm sự thật của của người chiến sĩ vào tháng 3/1959 khi chiến trường còn rất ác liệt. Ông Phạm Uy hy sinh sau đó, may mắn là cuốn nhật ký ông viết còn nguyên vẹn và được gửi về cho gia đình.

Đối với liệt sĩ Phạm Gia Kim, là người đồng hương, người bạn với ông Thắng, kỷ vật lưu giữ lại là 2 bức thư và 1 chiếc áo. Ông Kim hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Khi ông mất, đơn vị gửi về cho gia đình chiếc áo kaki Liên Xô cũ. Chiếc áo dày, ấm, được gia đình bảo quản rất tốt, kèm theo đó là 2 bức thư nhỏ như bàn tay, được viết trên giấy đen, đã ố vàng.  

Một kỷ vật khác cũng rất đặc biệt, đó là chiếc mũ sắt của liệt sĩ Nguyễn Tiến Sinh, người chiến sĩ nổi tiếng của Lai Xá thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong một trận chiến với thực dân Pháp, sau khi quân địch thua, ông Sinh lấy được chiếc mũ sắt là chiến lợi phẩm của địch, ông đã dùng chính chiếc mũ sắt đó để hoạt động và chiếc mũ đã được gia đình lưu giữ đến ngày nay.

Để không bao giờ quên những người đã khuất

Trong khoảng thời gian ngắn, B an lãnh đạo Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cùng các cấp chính quyền, các chuyên gia sưu tầm được kỷ vật của khoảng 20 liệt sĩ. Số lượng chưa nhiều, nhưng theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, nếu không làm sớm, các kỷ vật hao mòn, hư hỏng, các thế hệ sau không biết đến truyền thống của cha ông.

Với sự đồng lòng, nhất trí của bà con trong làng, sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - một người con của làng Lai Xá và một số chuyên gia, một kịch bản trưng bày đầy tính đổi mới, sáng tạo đã được thực hiện ngay tại bảo tàng “cấp làng” của Lai Xá.  

Các tấm ảnh, bức thư, hiện vật được trưng bày như những câu chuyện sống động, tái tạo lại cuộc sống và chiến đấu của những con người Lai Xá. Các kỷ vật còn ít nhưng không đơn điệu, trái lại nó như một nỗi day dứt của người còn sống khi ký ức về người thân ngày một nhạt nhoà theo năm tháng.  

Để có triển lãm về ký ức liệt sĩ làng Lai, 4 sinh viên Khoa Di sản văn hoá đã tình nguyện dùng thời gian nghỉ hè, đến từng gia đình liệt sĩ ở làng Lai Xá ghi chép lại những câu chuyện về liệt sĩ, sưu tầm lại những tấm ảnh, kỷ vật... Do mưu sinh cuộc sống, nhiều người thân của liệt sĩ làng Lai đã di chuyển chỗ ở đến nhiều nơi, công tác sưu tầm hiện vật và ghi chép câu chuyện trở nên khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn của triển lãm, người dân làng Lai Xá đã hết sức giúp đỡ nhóm sinh viên trong việc cung cấp thông tin và ảnh liệt sĩ.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, thông qua triển lãm này, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn đưa đến một thông điệp quan trọng: Cộng đồng hãy tiếp tục cùng nhau ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt theo thời gian; lưu giữ, bảo quản tại gia đình thật tốt những tấm ảnh quý về các liệt sĩ nói riêng và về gia đình nói chung mà hầu hết đang bị hư hỏng để mỗi người con Lai Xá, mỗi dòng lịch sử của làng không bao giờ bị mờ phai.

Khánh Thủy 

BẢN DESKTOP