Khoa học & Công nghệ

Nhận biết xe bị bơm xăng “bẩn”

Hàng loạt các vụ trộn tạp chất vào xăng bán ra thị trường bị phát hiện khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Làm thế nào để biết xe của mình đã bị bơm xăng “bẩn”, cách nhận biết xăng “bẩn” thế nào?

Hàng triệu lít xăng “bẩn” đã được tiêu thụ

Với công thức pha chế 50% xăng A92 trộn với 50% chất dung môi và chất tạo màu thành “xăng bẩn” A92, 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Nghệ An đã tuồn ra thị trường hàng triệu lít xăng A92 kém chất lượng.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc sử dụng dung môi trong pha chế xăng là hành động vi phạm pháp luật. Tỷ lệ RON chỉ đạt khoảng 50% thì xăng đó không đảm bảo chất lượng và an toàn. Đây là một dạng dung môi sử dụng trong vấn đề hòa tan các chất như sơn, chất tẩy rửa… chính vì thế mà nó không được phép sử dụng vào làm nhiên liệu trong động cơ.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/xang-pha-tap-chat-300x169.jpg

Vụ xăng trộn tạp chất bị cơ quan chức năng phát hiện.

Làm thế nào để biết xe của mình đã đổ phải loại xăng kém chất lượng này? KS Lê Văn Tạch, Công ty Toyota Việt Nam cho biết, có một số dấu hiệu bất thường để nhận biết xăng đã bị pha trộn tạp chất. Nếu sử dụng xăng kém chất lượng thì hiệu suất động cơ giảm khiến máy ì, động cơ thường sẽ bị rung hơn và nóng hơn so với xăng chuẩn. Hiện tượng này gần giống với hiện tượng bôi trơn kém.

Thế nhưng, nếu bôi trơn kém thì thường nổi đèn báo áp suất dầu bôi trơn. Nếu xác định chính xác là do nhiên liệu thì bắt buộc phải thay nhiên liệu kém chất lượng đó. Để xác định chắc chắn lỗi có phải do xăng “bẩn” hay không cần phải những người có chuyên môn và có thể cần đến một số thiết bị chuyên dùng để thực hiện phương pháp loại trừ.

Tuy nhiên, nếu xe đang đi bình thường, không có các tác động nào khác mà bỗng nhiên bị ì, rung thì phải nghĩ đến nguyên nhân là do xăng. Việc kiểm tra xăng có lẫn tạp chất hay không cũng khá đơn giản nếu không có các loại máy móc chuyên dụng. Nếu xác định là do xăng thì phải rút toàn bộ số xăng này ra, súc rửa máy và thay bằng loại xăng khác.

Theo KS Lê Văn Tạch, nếu xe đã đổ xăng “bẩn” mà không được xử lí ngay sẽ rất có hại. Cách tốt nhất là rút xăng bẩn khỏi bình nhiên liệu, xúc rửa kim phun nhiên liệu, xúc rửa bơm nhiên liệu. Các công việc này thường là không mất nhiều chi phí với bất kể hãng xe và dòng xe nào.

Nhận biết xăng “bẩn”

Theo KS Lê Văn Tạch, nếu động cơ thiết kế để sử dụng xăng A95 mà đổ xăng A92 là đã không ổn, chưa nói gì đến việc sử dụng xăng kém chất lượng thì động cơ sẽ bị tàn phá, nguy cơ cháy nổ sẽ rất cao. khi chế tạo động cơ, nhà chế tạo sẽ thiết kế để động cơ đó thỏa mãn một loại nguyên liệu nào đó.

Hay nói cách khác, nguyên liệu nào thì dùng cho động cơ đó, không thể dùng nhiên liệu cho động cơ này để sử dụng cho động cơ khác được. Và việc dùng nhiên liệu không đúng có thể dẫn đến hiện tượng cháy nổ không đều trong động cơ và xảy ra việc rung lắc.

Khi mức độ rung lắc lớn thì sẽ làm các khớp nối của động cơ bị bung ra dẫn đến nhiên liệu tràn ra ngoài và dẫn đến gây ra cháy, nổ.

Theo TS Lê Đức Diên, nguyên cán bộ Viện Hóa học Công nghiệp, muốn đánh giá chính xác nhất chất lượng xăng thông thường sẽ phải đưa mẫu xăng vào phòng thí nghiệm để phân tích.

Để biết sơ bộ xăng có bị pha tạp chất hay không thì có một vài cách nhận biết như lấy một tờ giấy trắng nhỏ lên đó vài giọt xăng rồi chờ cho xăng tự bay hơi. Nếu thấy trên mặt giấy không có vết bẩn (hoặc chỉ là vết rất nhạt) thì có thể yên tâm về chất lượng xăng mà đang dùng.

Còn nếu thấy quá nhiều cặn bẩn thì xăng đó đã bị pha dầu. Hoặc lấy vài giọt xăng nhỏ vào đầu ngón tay, nếu thấy có hiện tượng bám dính, có chất nhờn thì đó là xăng bị pha dầu. Hoặc lấy một ít xăng ra đốt, nếu có cặn đen đóng bám sau khi đốt thì là xăng bị pha trộn.

Theo các chuyên gia, loại xăng “bẩn” này không được sử dụng cho động cơ. Nếu phát hiện ra đã mua phải xăng “bẩn” thì không nên tiếc, tận dụng chạy các loại xe khác mà hãy đổ bỏ tránh hại cho động cơ và phòng nguy cơ cháy nổ.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP