Khoa học & Công nghệ

Nhận biết tỏi Lý Sơn đúng chuẩn

Trước thông tin về việc tái diễn nạn chở tỏi không rõ nguồn gốc ra Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều người quan tâm làm thế nào để nhận biết tỏi Lý Sơn đúng chuẩn?

Tỏi ùn ùn chở ra Lý Sơn

Từ sau Tết Mậu Tuất đến nay, tình trạng chở tỏi không rõ nguồn gốc ra Lý Sơn (Quảng Ngãi) tiêu thụ lại tái diễn. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu tỏi Lý Sơn. Nếu như những năm trước thương lái chỉ vận chuyển tỏi đã phơi khô từ các địa phương ra đảo Lý Sơn thì năm nay lại chở tỏi tươi.

Mỗi buổi sáng, tại chợ huyện, hàng tấn tỏi tươi không rõ nguồn gốc, được bày bán tràn lan. Nhiều nông dân cho rằng đến thời điểm này, tỏi Lý Sơn chưa vào vụ thu hoạch nên lượng tỏi tươi mà tiểu thương bán tại chợ huyện chắc chắn không phải tỏi Lý Sơn chính hiệu.

Phóng viên KH&ĐS đã liên hệ với ông Phạm Văn Công (chủ cơ sở thương hiệu Vua Tỏi Lý Sơn) thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi, người có kinh nghiệm nhiều năm trồng tỏi Lý Sơn thì được cho biết, trước kia thì chỉ có tỏi Khánh Hòa là giống tỏi Lý Sơn và hay bị nhái. Còn bây giờ có cả tỏi Thái Lan, Lào, Ấn Độ. Nhiều tư thương nhập tỏi từ nước ngoài về hàng container, chở cả về thành phố Quảng Ngãi để bán đi các nơi. Đặc biệt lưu ý là tỏi cô đơn đang bị nhái rất nhiều.

Tỏi Lý Sơn được trồng từ tháng 11, thu hoạch vào tháng 3 năm sau. Sau khi thu hoạch thì được bảo quản để bán cả năm. Tuy nhiên càng về cuối năm thì số lượng càng còn ít. Trong khi đó hiện nay, tỏi ở Lý Sơn được bày bán tràn lan bất kể mùa nào. Thương hiệu tỏi Lý Sơn đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Người tiêu dùng thì rất khó để phân biệt. Đa phần nghĩ rằng, đã mua tỏi ở Lý Sơn thì đương nhiên là tỏi Lý Sơn rồi.

Cách nhận biết tỏi Lý Sơn

Theo ông Phạm Văn Công, để phân biệt tỏi Lý Sơn thì phải nhận biết với nhiều loại tỏi khác nhau. Đầu tiên là tỏi Khánh Hòa, loại tỏi có hình thức gần giống với tỏi Lý Sơn nhất. Về cơ bản tỏi Lý Sơn và Khánh Hòa có ngoại hình tương đối giống nhau. Tỏi Khánh Hòa có kích thước lớn hơn một tí so với tỏi Lý Sơn do vùng đất Khánh Hòa có nguồn nước dồi dào, trong khi ở Lý Sơn nước rất ít.

Cũng vì nguồn nước nên bộ rễ của tỏi Khánh Hòa chiếm diện tích nhỏ trên củ tỏi, trong khi tỏi Lý Sơn bộ rễ khá chiếm diện tích. Cùi của bộ rễ củ tỏi Lý Sơn to và nhô ra trong khi củ tỏi Khánh Hòa cùi rễ nhỏ hơn và bằng phẳng hơn. Đáy củ tỏi Lý Sơn, khu vực xung quanh bộ rễ có màu vàng rất nhạt, trong khi tỏi Khánh Hòa màu vàng đậm hơn

Đáy củ tỏi Lý Sơn, khu vực xung quanh bộ rễ có màu vàng rất nhạt, trong khi tỏi Khánh Hòa màu vàng đậm hơn. Tỏi Lý Sơn có màu trắng ngà, vỏ củ trơn, láng, vân màu vàng nhạt, nhỏ và ít nổi lên trên bề mặt. Bộ rễ nhiều và chiếm diện tích hơn. Cùi to và nhô ra bên ngoài. Cọng rễ màu đen hoặc vàng đậm, cọng rễ to và dai.

Mùi thơm rất đặc trưng và dai dẳng, để lại hậu vị. Có vị ngọt nhẹ, ít cay nhưng đậm đà. Trong khi đó tỏi Khánh Hòa có màu trắng hơi ngà vàng. Vỏ sần sùi, màu đậm hơn, vân to hơn, nổi khá rõ lên bề mặt vỏ củ tỏi. Bộ rễ nhỏ hơn và chiếm ít diện tích hơn. Cùi rễ nhỏ hơn và ít nhô ra ngoài hơn.Cọng rễ màu nhạt hơn, cọng rễ nhỏ và bở. Dùng tay rứt nhẹ rất dễ đứt ra. Ít thơm, nhanh hết mùi thơm. Cay hơn nhưng nhạt hơn, ăn vào có cảm giác nước nhiều.

Thực trạng tỏi đen rởm gắn mác tỏi Lý Sơn cũng phổ biến. Ông Công cho biết,, gần 3kg tỏi cô đơn mới làm ra được 1 kg tỏi đen cô đơn, trong khi đó giá tỏi nguyên liệu gần triệu đồng một kg nên giá bán thường 4 triệu đồng một kg, mà hàng rất khan hiếm. Do vậy, việc bán tỏi đen cô đơn Lý Sơn với giá vài trăm nghìn đến triệu đồng một kg cần kiểm định lại nguồn gốc.

Ông Phạm Văn Công cho biết, giá tỏi Lý Sơn khô đầu vụ khoảng 70.000/kg, cuối vụ khoảng 150.000/kg (giá gốc). So với tỏi Khánh Hòa thì cao hơn khoảng 10.000 – 30.000/kg; Còn với tỏi ngoại thì chênh lệch nhiều. Giá tỏi ngoại thường khoảng 40.000 – 60.000/kg; riêng tỏi cô đơn càng chênh lệch.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP