Khoa học & Công nghệ

Nhận biết ngọc trai làm bằng thủy tinh, chất dẻo

Những chuỗi ngọc trai có giá thành lên đến hàng chục triệu đồng, có thể bị làm giả một cách tinh vi bằng thủy tinh, chất dẻo, vỏ sò và được phủ bên ngoài bằng những chất liệu khác nhau. Theo các chuyên gia, việc phát hiện không dễ.

Mua ngọc trai, nhận lại là nhựa dẻo

Vừa rồi đi du lịch hè ở Phú Quốc, bà Hoàng Thu Huệ (Long Biên, Hà Nội) mua được một dây đeo cổ ngọc trai ở chợ đêm Phú Quốc với giá “rẻ giật mình”. Chỉ 500 ngàn đồng với những hạt ngọc trai lấp lánh. Bà cắn thử cũng thấy cứng cứng như ngọc. Soi kỹ thì cũng có vân xù xì như ngọc trai thật.

Tuy nhiên khi về nhà, bà đem ra hiệu vàng nhờ xác minh độ thật giả thì câu trả lời là ngọc trai giả, làm bằng nhựa dẻo. Nghĩ hình thức nó vẫn đẹp, giá lại rẻ, nên bà tặc lưỡi thôi thì đeo làm đồ trang sức đơn thuần, không phải ngọc trai thật cũng đành chịu.

GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt cho biết, khi quan sát viên ngọc trai, có 3 khả năng xảy ra: đó là ngọc tự nhiên, nuôi hoặc là ngọc giả. Ngọc trai nuôi và tự nhiên có vẻ ngoài rất giống nhau nên rất khó phân biệt, tuy nhiên phía bên trong, chúng có cấu trúc và thành phần khác nhau. Thông thường để phân biệt, thường dựa vào nhân và lớp ngọc. Ngọc trai tự nhiên có nhân rất nhỏ, nhiều khi không thể quan sát được nhân, còn các lớp ngọc thì rất dày và có cấu trúc đồng tâm. Ngược lại, ngọc nuôi có nhân rất lớn và lớp ngọc thường mỏng, ranh giới giữa nhân và lớp ngọc rất rõ ràng.

Người ta chế tạo ngọc trai giả để thay thế cả hai loại ngọc trai nước ngọt và nước mặn. Chúng thường được làm bằng thủy tinh, chất dẻo, sáp hay vỏ sò và được phủ bên ngoài bằng những chất liệu khác nhau nhằm làm cho giống vẻ ngoài của ngọc nuôi và tự nhiên. Khảo sát và kiểm tra bằng những phương pháp ngọc học cơ bản là có thể phân biệt được ngọc giả với 2 loại kia. Ngọc trai tự nhiên và ngọc nuôi đều được cấu tạo từ cácbonat, còn thủy tinh, chất dẻo và sáp là vật liệu không cấu trúc nên không có tính lưỡng chiết.

Thử để biết thật

 Quan sát bề mặt phóng đại 50 lần. Thấy trên bề mặt của ngọc nuôi và tự nhiên có các rãnh dạng bậc thang và các rãnh này chồng chất lên nhau, nhìn giống như các sợi chỉ giải phẫu. Khi đó bề mặt ngọc giả thì đều và mướt. Hoặc thử bằng cà răng. Bề mặt của ngọc nuôi và tự nhiên thì không đều, cho nên ta có cảm giác lợn cợn hay thô nhám khi dùng các răng cửa cắn và cà nhẹ vào ngọc trai. Với ngọc giả thì có cảm giác trơn trượt do mướt khi thử.

Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, phải quan sát sâu vào bên trong viên ngọc mới xác định được ngọc là tự nhiên hay nuôi. Trong nhiều trường hợp, để khẳng định ngọc trai là nuôi hay tự nhiên, ta phải phá mẫu (cưa đôi viên ngọc) để quan sát cấu trúc bên trong. Hoặc bằng cách chụp Xquang, trên phim tia X, ngọc trai tự nhiên luôn cho thấy các vòng đồng tâm của những lớp ngọc (giống như các vòng tăng trưởng của cây), không có hoặc có một nhân rất nhỏ.

Với ngọc trai nuôi, mẫu mô lớp choàng được cấy vào loài nhuyễn thể để kích thích tạo ngọc, đã để lại một hốc nhỏ bên trong viên ngọc. Khoảng trống này cho phép tia X đi qua tối đa, cho nên trên phim tia X, khoảng trống hiện lên bằng một hình nhỏ, dạng không đều, màu tối hoặc đen và thường ở giữa viên ngọc. Hoặc có thể kiểm tra sự lấp lánh để xác định.

Xoay viên ngọc dưới nguồn sáng mạnh. Nhìn xuyên qua lớp ngọc của viên ngọc nuôi nhân hạt, có thể thấy các vùng bóng trên mặt nhân hạt bằng vỏ xà cừ lóe sáng hay lấp lánh. Điều này chỉ có thể thấy được khi lớp ngọc nuôi khá mỏng và bề mặt nhân hạt phải bóng, ánh sánh mới có thể xuyên qua lớp ngọc và phản chiếu được trở lại khi tiếp xúc bề mặt hạt nhân. Trên thị trường gọi các vùng lấp lánh này là “điểm nóng”, vì chúng có vẻ sáng hơn bề mặt của lớp ngọc.

Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, việc phân biệt giữa các loại ngọc trai có thể nói là điều không thể thực hiện được đối với người tiêu dùng. Do đó người bán ngọc trai nên nhờ các cơ quan giám định xác định là loại gì trước khi bán để giúp cho người mua an tâm khi mua ngọc trai.

Bảo Khánh

Từ Khoá

BẢN DESKTOP