Khám phá

Nhận biết chứng rối loạn cảm xúc ở người già khi đông về

Người già thường hay bị coi là trái tính trái nết với những biểu hiện như hay thở dài, buồn bã, dễ cáu gắt, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống… Mọi người hay nhầm lẫn những biểu hiện này với bệnh tuổi già, mà không chú ý rằng đây là bệnh do thời tiết và biểu hiện bệnh thường nặng hơn vào mùa đông khi tiết trời u ám.

Rối loạn vì thiếu ánh sáng

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105 cho hay, tất cả những dấu hiệu mà người già hay mắc phải vào mùa đông như buồn chán, cáu kỉnh, thở dài, mất tập trung, lơ đãng… đều là hiện tượng của bệnh mà khoa học gọi tên là trầm cảm theo mùa hay còn gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa, xảy ra do việc thiếu ánh sáng.

Các nhà khoa học cho hay đây là một rối loạn khí sắc thường xảy ra vào cuối thu và đặc biệt là mùa đông. Rối loạn cảm xúc theo mùa xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi, nhưng khá trầm trọng đối với người già. Lý do là bởi, sức chịu đựng của người già với mùa đông rất kém.

Thời tiết u ám khiến người già lười ra khỏi nhà, lười vận động. Việc “cố thủ “ trong nhà, thiếu ánh sáng, thiếu sự giao lưu và bầu bạn với bạn bè, lối xóm khiến người già dễ bị rối loạn. “Rối loạn” rõ nhất của người già vào mùa đông là cảm giác buồn bã và mất hết hi vọng. Đây chính là lúc người già than thở về quá khứ, than thở về bệnh tật, thậm chí nhắc nhiều đến cái chết…

Một biểu hiện nữa là rối loạn về giấc ngủ khiến cho người già dễ rơi vào trạng thái lơ mơ, mệt mỏi thường xuyên. Sự thiếu tập trung cũng là một biểu hiện dễ nhận thấy của người già khi bị rối loạn cảm xúc. Vào mùa này, nếu con cháu để ý sẽ thấy người già lơ đãng hơn, trí nhớ kém hơn, nhớ việc nọ, quên việc kia.

Đừng chủ quan

BS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, không nên nhầm lẫn giữa rối loạn cảm xúc với cái gọi là bệnh tuổi già và lơ là với việc điều trị bệnh này. Việc điều trị bệnh hoàn toàn không khó. Đó là sử dụng liệu pháp ánh sáng. Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc thiếu hụt ánh sáng, ngày ngắn, đêm dài là nguyên nhân chính gây ra sự rối loạn cảm xúc.

Vì vậy, ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chứng tự kỷ mùa đông ở người già. Đối với người bệnh nặng, con cháu cần nhanh chóng phát hiện và đưa người già đến khám. Các bác sỹ có thể điều trị bằng cách hẹn giờ để một ngọn đèn trên đầu giường bật sáng lúc người già gần thức giấc, và từ từ sáng dần lên.

Hoặc đặt một “hộp đèn” huỳnh quang trước mặt người già lúc đang ăn, đọc sách hay làm việc buổi sáng (đèn có độ sáng mạnh hơn ánh sáng trong nhà) trong vòng 30 phút đến 2 tiếng. Sau khoảng 5 ngày đến 2 tuần tình trạng rối loạn cảm xúc sẽ thấy tác dụng.

Một biện pháp đơn giản hơn là tăng cường mở cửa sổ để đón ánh nắng mặt trời, mỗi ngày có ít nhất 1 – 2 tiếng ở ngoài trời để hít thở không khí trong lành, giao lưu với thế giới bên ngoài. Người già tuyệt đối tránh việc đóng cửa im ỉm và cố thủ trong nhà.

Hãy nhớ rằng, việc mở cửa những lúc trời hửng nắng và ra khỏi nhà đi bộ, gặp gỡ và giao lưu với bạn bè, hàng xóm là việc hết sức quan trọng. Ngoài ra, cùng với đó là việc duy trì luyện tập, ăn uống khoa học và đầy đủ chất, có thể ăn làm nhiều bữa trong ngày, ăn thêm các bữa phụ bên cạnh các bữa chính; uống đủ nước dù cảm thấy không khát…

Th.S Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho hay: Vào mùa đông, con cháu cần hết sức chú ý đến những thay đổi của người già. Hãy giành thêm nhiều thời gian để trò chuyện, giao lưu và chăm sóc người già. Sự quan tâm và chăm sóc của con cái sẽ là nguồn sức mạnh giúp người già vượt qua những rối loạn cảm xúc. Nếu phát hiện người già có những biểu hiện như cáu gắt, mệt mỏi, rối loạn ăn uống, giấc ngủ kéo dài cần phải đưa người già đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Huy Khánh

BẢN DESKTOP