Y học và đời sống

Nhận biết bệnh khi nôn ra máu

Nôn ra máu do xuất huyết đường tiêu hóa có thể do bệnh lý của dạ dày, gan, do chảy máu đường mật nhưng cũng có thể là do bệnh về đường máu, do thuốc và ngộ độc…

Nôn ra máu do xuất huyết tiêu hoá là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là độ tuổi từ 20- 50, nam nhiều hơn nữ. Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp là:

 Loét dạ dày và hành tá tràng: Thường biểu hiện ở lâm sàng: nôn máu, ỉa phân đen với số lượng lớn. Loét hành tá tràng hay gặp chảy máu hơn dạ dày loét lại sau mổ cũng hay gặp chảy máu. Nguyên nhân chảy máu là do loét làm tổn thương và đứt các mạch máu gây chảy máu, loét gây tổn thương tụy. Những ổ loét mới có khi chảy máu đơn độc, không có triệu chứng của bệnh loét (loét câm). Trường hợp này phải có chụp dạ dày, soi dạ dày mới chẩn đoán được.

Những ổ loét cũ: tổn thương loét lâu ngày thành xơ chai, loét xơ chai dễ làm thủng mạch máu. Tổ chức xơ ngày một phát triển lấn át các tổ chức tân tạo, khi thiếu sự bảo vệ của tổ chúc này, mạch máu tại chỗ loét dễ bị tổn thương đứt đoạn, do Pepsin thường xuyên tác động ăn mòn. Tổ chức xơ co kéo: khả năng co mạch, đàn hồi của mạch máu cũng bị giảm đi, nếu có hình thành cục máu đông bịt chỗ chỗ tổn thương của mạch máu lại, thì cục máu này cũng rất mỏng manh dễ bị dạ dày co bóp tống đi, gây chảy máy tái phát.

Viêm dạ dày: gây xuất huyết tiêu hoá là do: Sự rối loạn các mao mạch ở niêm mạc dạ dày tại vùng viêm hoặc tổn thương trợt niêm mạc: thường chảy máu nhiều, tái phát do thủng các mạch máu ở nông. Trợt dạ dày có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm độc gây ra.

Ung thư dạ dày: Nguyên nhân ung thư dạ dày gây nôn ra máu là do tổ chức ung thư bị tan rã, một số mạch bị vỡ. Nếu sự tan rã chỉ giới hạn trên bề mặt của tổ chức ung thư thường gây ra chảy máu rỉ rả, không đáng kể. Ngược lại chảy máu nặng khi vị trí ung thư gần bờ cong bé của dạ dày, gần các mạch máu lớn, hoặc khi tổ chức ung thư lan vào các cơ quan giàu mạch máu nuôi dưỡng.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Sự cản trở dòng máu của tĩnh mạch gánh về tĩnh mạch  chủ dưới sẽ làm xuất hiện các vòng nối giữa hai tĩnh mạch này và giữa hai tĩnh mạch gánh với tĩnh mạch chủ trên. Có hai vòng nối liên quan tới xuất huyết tiêu hoá gây nôn ra máu là:

– Vòng nối giữa tĩnh mạch gánh với tĩnh mạch dạ dày, tĩnh mạch thực quản đổ vào tĩnh mạch chủ trên, ở vòng nối này sự phình giãn và tăng áp lực quá mức vỡ ra gây xuất huyết tiêu hoá nôn máu đỏ tươi, khối lượng nhiều, không lẫn thức ăn.

– Vòng nối giữa hệ tĩnh mạch gánh với tĩnh mạch trực tràng để đổ vào tĩnh mạch chủ dưới tại đây có thể gây ra trĩ hậu môn. Khi giãn vỡ tĩnh mạch trĩ, sau khi đi ngoài thấy chảy máu tươi qua hậu môn.
Ngoài ra, các nguyên nhân nôn ra máu ít gặp hơn là do các bệnh về máu (bệnh bạch cầu đa sinh cấp và mạn, bệnh suy tuy xương, bệnh máu chậm đông, bệnh chảy máu lâu); Do suy gan thiếu Protrombin, gây chảy máu nhiều nơi trong đó có niêm mạc dạ dày; do một số thuốc có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày gây chảy máu (nhất là khi niêm mạc dạ dày đã bị viêm hoặc loét): Aspirin, các loại Axit Salixylic, Phenylbutazon,…Trường hợp hiếm gặp là do ngộ độc; nhiễm trùng dị ứng; chấn thương sọ não; suy hô hấp, suy thận, bỏng nặng…

BSCKII Vũ Đức Chung (Bệnh viện 354)

BẢN DESKTOP