Y học và đời sống

Nhận biết bệnh da thường gặp khi dùng mỹ phẩm

Dù các nhà sản xuất đã hạn chế các tác dụng phụ của mỹ phẩm đến mức tối đa nhưng các phản ứng không mong muốn vẫn có thể xảy ra. Nhiều bệnh da gặp phải khi dùng mỹ phẩm gồm:
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/di-ung-da-khi-dung-my-pham1.jpg

Dị ứng da khi dùng mỹ phẩm.

Viêm da tiếp xúc kích ứng: Sau khi bôi mỹ phẩm từ 1 – 7 ngày da sẽ bị căng lên, đỏ, rát hoặc đau, khó chịu, đôi khi có thể sưng lên ở vùng bôi mỹ phẩm hoặc lan rộng ra cả các vùng da cận kề. Nếu cứ tiếp tục dùng mỹ phẩm, da trở nên khô, bong vảy, có thể nứt nẻ.

Viêm da tiếp xúc dị ứng: Thường phản ứng viêm da xảy ra vài giờ đồng hồ hoặc vài ngày sau dùng mỹ phẩm. Da bị khó chịu sau đó ngứa, rồi nổi các mụn nước nhỏ ly ty như đầu đinh ghim tập trung thành từng đám. Nền da phù nề, đỏ. Đôi khi các mụn nước liên kết lại thành các bọng nước.

Cũng có những trường hợp lại là các sẩn màu đỏ nổi cao hơn mặt da trông sần sùi. Ngứa càng ngày càng tăng lên. Khi tiết dịch nhiều thì có thể chảy nước. Nếu phù nề nhiều thì có thể sưng húp cả 2 mắt lại. Cần dừng ngay mỹ phẩm đang dùng lại và đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu.

Các tác dụng phụ muộn: Sau thời gian vài tháng thậm chí hàng năm mới xuất hiện các biểu hiện không mong muốn: Trứng cá do mỹ phẩm, xạm da, da xỉn màu, thô ráp, lỗ chân lông giãn rộng…

Khắc phục các tác dụng phụ của mỹ phẩm: nên lựa chọn các mỹ phẩm phù hợp da và bôi thử một diện tích nhỏ da vùng mặt (khoảng 1 – 2cm²) trong 5 – 7 ngày nếu không có phản ứng gì thì mới bôi rộng ra cả mặt. Nếu chỉ bôi thử da vùng tay hoặc lưng thì chưa loại trừ được tất cả các trường hợp dị ứng vì nhiều người khi bôi ở các vùng da này không có phản ứng gì nhưng khi bôi lên mặt vẫn bị dị ứng. Nên dùng các mỹ phẩm còn hạn sử dụng.

Khi không có yêu cầu phải trang điểm thì các bạn nên rửa mặt sạch sẽ để mặt trần không bôi gì cho da thoáng mát, trả lại sự hô hấp bình thường qua da nhất là thời gian ban đêm. Khi có điều kiện bạn nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa Da liễu về đặc điểm da và loại mỹ phẩm phù hợp.

TS Nguyễn Thị Lai

(Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô)

BẢN DESKTOP