Thời sự

Nhầm tưởng nguy hiểm ung thư đại trực tràng với bệnh trĩ

  • Tác giả : Thúy Nga
Điều đáng nói là triệu chứng của trĩ giống triệu chứng của ung thư đại trực tràng. Trĩ không gây chết người nhưng ung thư đại trực tràng lại là căn bệnh có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng.

“Rất nhiều trường hợp ung thư trực tràng đến bệnh viện muộn mà nguyên nhân chủ yếu từ sự chủ quan do nhầm lẫn với dấu hiệu của bệnh trĩ. Trĩ không gây chết người, nhưng ung thư đại trực tràng lại là căn bệnh có thể gây ảnh hưởng tính mạng”, ThS.BSCKI Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết.

Tưởng mắc bệnh trĩ, đi khám mới phát hiện ung thư đại trực tràng

Anh Nguyễn Văn H., 35 tuổi (Nam Định), bị đại tiện ra máu từ lâu, anh đi nội soi ở trung tâm y tế được kết luận bị trĩ nên sau đó anh chủ quan không đi khám. Gần đây, ngoài đại tiện ra máu anh còn bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Đi khám bác sĩ chẩn đoán ung thư đại tràng di căn gan giai đoạn muộn.


Cách ngăn chặn bệnh trĩ

- Vệ sinh sạch sẽ hậu môn

- Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày vào một giờ nhất định.

- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, chè. Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu; Uống nước đầy đủ; Ăn nhiều chất xơ; Tránh táo bón.

-Vận động thể lực: Nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ...

- Điều trị các bệnh mãn tính hiện có như viêm phế quản, giãn phế quản, bệnh lỵ ...

- Tập thót hậu môn từ 30-50 lần mỗi sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ.

Theo ghi nhận của PV Khoa học & Đời sống, trường hợp như của anh H. không hiếm. Bác sĩ gặp nhiều trường hợp tương tự ở các phòng khám tiêu hóa, nội soi, đặc biệt là các trung tâm, bệnh viện chẩn đoán ung thư.

Theo ThS.BSCKI Hà Hải Nam, ngày nào khám bệnh ông cũng gặp vài trường hợp ung thư trực tràng đến muộn, nguyên nhân chủ yếu từ sự chủ quan do nhầm lẫn với dấu hiệu của bệnh trĩ. Đây là lý do rất thường gặp khiến người bệnh lơ là, tới khi đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

ThS.BS Nam phân tích, bệnh trĩ phổ biến đối với những người trưởng thành, có đến trên 50% dân số mắc trĩ. Thậm chí cha ông ta còn đúc kết “thập nhân, cửu trĩ” để nói rằng, cứ 10 người thì 9 người bị trĩ. Chính vì sự phổ biến của bệnh, cũng như quan điểm “bị trĩ là bình thường” nên khi các triệu chứng xuất hiện, dẫn đến việc nhiều người chủ quan, lơ là.

Điều đáng nói làm triệu chứng của trĩ giống triệu chứng của ung thư đại trực tràng. Trĩ không gây chết người nhưng ung thư đại trực tràng lại là căn bệnh có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng.

Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và đứng thứ tư về tỷ lệ tử vong ở cả 2 giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 8.700 ca mắc mới và 5.900 ca tử vong.

Mặc dù với sự tiến bộ của các phương pháp chẩn đoán phát hiện bệnh sớm, tuy nhiên, có đến 20-25% bệnh nhân ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn đã có di căn gan. Khoảng 20-30% bệnh nhân sẽ tiến triển di căn gan sau điều trị. Di căn gan được coi là nguyên nhân gây tử vong chính của bệnh.

Nhầm tưởng nguy hiểm ung thư đại trực tràng với bệnh trĩ ảnh 1

Nhầm tưởng nguy hiểm ung thư đại trực tràng với bệnh trĩ

Sự khác biệt giữa trĩ và ung thư đại trực tràng

ThS.BSCKI Hà Hải Nam phân tích thêm, trĩ xuất hiện là do sự giãn của các đám rối tĩnh mạch trĩ hoặc phì đại tĩnh mạch dẫn đến sưng viêm ở trực tràng và hậu môn. Bệnh trĩ diễn ra theo nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí, kích thước của búi trĩ mà người bệnh có thể bị đau rát, khó chịu, ngứa hoặc chảy máu. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp, bệnh không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào.

Hiện nay bệnh trĩ được chia thành 2 loại phổ biến là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội: Là hiện tượng búi trĩ nằm ở các búi tĩnh mạch bên trong trực tràng. Nếu búi trĩ có kích thước lớn thì có thể bị sa ngoài vùng hậu môn;

Trĩ ngoại: Là hiện tượng búi trĩ nằm ở các tĩnh mạch bên ngoài trực tràng, xung quanh hậu môn. Loại trĩ này thường gây ngứa, sưng, đau, chảy máu. Các dấu hiệu thường gặp của trĩ ngoại:

Đại tiện ra máu: Sau khi đi đại tiện thấy máu chảy thành giọt hoặc tia, đỏ tươi, càng để lâu số lượng máu ngày càng nhiều hơn. Đây chính là triệu chứng dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót ung thư đại trực tràng. Ung thư đại tràng, máu thường màu đỏ nâu hoặc nâu sẫm, có thể kèm theo đi ngoài lỏng (trong khi trĩ thì thường kèm với đi ngoài rắn).

Đau rát, khó chịu hậu môn: Biểu hiện này cũng có thể gặp ở người bệnh ung thư vùng trực tràng, ống hậu môn do khối u kích thích cơ thắt.

Ngứa hậu môn: Đây là dấu hiệu rất thường gặp với những người bị bệnh trĩ, rất bất tiện khi đi ra ngoài. Đôi khi cũng có thể nhầm lẫn với bệnh ung thư đại trực tràng do việc rỉ dịch viêm tại u khiến vùng da xung quanh nề, ngứa.

Sa búi trĩ: Sa búi trĩ ở mức độ nhẹ thì người bệnh vẫn có thể làm việc bình thường, còn nếu ở mức độ nặng hơn thì sẽ rất khó khăn trong việc di chuyển đi lại. Đây là sự khác biệt với ung thư đại trực tràng, tuy vậy không phải người bệnh bị trĩ nào cũng bị sa búi trĩ.

Đặc biệt, người mắc bệnh u đại trực tràng, u ở tử cung sẽ làm cản trở hồi lưu máu trở về tim gây giãn tĩnh mạch dẫn đến bệnh trĩ. Như vậy trĩ chỉ là hệ quả của các bệnh lý ác tính mà thôi.

“Đó là một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn giữa trĩ và ung thư đại trực tràng. Vì vậy, khi có những dấu hiệu bất thường như đi ngoài ra máu, ngứa rát vùng hậu môn, chúng ta không nên chủ quan mà cách tốt nhất là đi khám, nội soi đại trực tràng để phát hiện và xử trí kịp thời, tránh để tới khi ‘Tiền mất, tật mang’”, ThS.BS Hà Hải Nam nhấn mạnh.

Cách phân biệt ung thư đại trực tràng, u và trĩ

Để phân biệt bệnh trĩ với ung thư đại trực tràng, người bệnh nên đi soi đại trực tràng tại các cơ sở chuyên khoa. Tương tự, để phân biệt giữa u hậu môn và trĩ hậu môn, bệnh nhân cũng cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ càng.

Đây là 2 bệnh khác hẳn nhau. Trĩ hậu môn bao gồm cả trĩ nội và trĩ ngoại đều do các búi tĩnh mạch vùng hậu môn giãn rộng và sa ra ngoài khi đi đại tiện, khi rặn hoặc búi trĩ nằm thường xuyên ở ngoài nếu là trĩ ngoại hoặc trĩ nội nặng. Lúc này búi trĩ sẽ giống như u.

Trong khi đó, u hậu môn là một quá trình tăng sinh bất thường của các tổ chức vùng hậu môn, nguyên nhân chưa biết. Có 2 loại u: u lành (không nguy hiểm) và u ác (ung thư).

“Do đó, bệnh nhân nhất thiết cần đi khám hậu môn khi thấy có u, cục ở hậu môn” - ThS.BSCKI Nguyễn Khắc Hoàng (Trưởng đơn vị Điện quang Can thiệp, Bệnh viện TWQĐ 108) nói.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP