Trong nước

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Sáp nhập quận Hoàn Kiếm cần tinh tế

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, đối với quận Hoàn Kiếm hay các quận nội thành cũ, cần phải nhìn nhận bằng chính văn hóa trong tâm thức của dân gian và lịch sử.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm cùng 176 xã thuộc diện phải sáp nhập từ nay đến 2025.
Lý do quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập là do quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Trong hai năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.
Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sáp nhập huyện xã cần có lộ trình theo từng giai đoạn với cách làm phù hợp. Nơi có điều kiện thuận lợi làm trước, nơi chưa có điều kiện xác định lộ trình phù hợp thực hiện. Quá trình sáp nhập huyện xã phải đáp ứng phát triển bền vững, phát huy hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội, tạo không gian phát triển mới với tư duy, giá trị mới.
"Cần sáp nhập huyện xã trên cơ sở khoa học, tiêu chuẩn diện tích và dân số, nhưng cân nhắc kỹ đặc thù lịch sử, văn hóa, phong tục", Thủ tướng nói, lưu ý việc sáp nhập phải gắn với sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, cơ cấu và nâng cao chất lượng cán bộ.
Nha nghien cuu Nguyen Hung Vi: Sap nhap quan Hoan Kiem can tinh te
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên giảng viên trường ĐH KHXH&NV.
Dưới góc độ văn hóa, lịch sử, Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Điển hình là Quần thể di tích Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, Nhà Thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân.
Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa văn học ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian, việc sáp nhập các quận huyện, địa phương đều có các tiêu chí “cứng” về diện tích, đất đai, dân số... để thực hiện trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong tổng thể đó có quy định “mềm” cho những địa danh, vùng có những vấn đề về lịch sử, văn hóa đã ổn định rất lâu dài. Thậm chí, còn là biểu tượng tạo thành ký ức của cộng đồng. Vì vậy, cần phải tôn trọng ký ức của cộng đồng, chứ không phải cứ theo quy định cứng, răm rắp thực hiện.
Về mặt văn hóa, tâm lý con người, nhiều khi cần phải mềm dẻo. Cuộc sống không phải ô thuốc bắc hay bàn cờ. Trước đây có kế hoạch sáp nhập huyện Nghi Xuân của Hà Tĩnh vào Nghệ An, nhưng nhận rất nhiều ý kiến phản đối, vì ở đó có biểu tượng sông Lam đã in vào ký ức của mỗi người. Nếu sáp nhập thì đã “đánh mất” đi “hồn cốt” của một cộng đồng, thậm chí là quê hương.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, đối với quận Hoàn Kiếm hay quận Hai Bà Trưng hoặc các quận cũ, nội thành cần phải nhìn nhận bằng chính văn hóa trong tâm thức của dân gian và lịch sử. Đặc biệt phải tinh tế và linh hoạt.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xem trích đoạn phim ''Hà Nội 12 ngày đêm'':

(Nguồn Vietnamnet)

Thiên Tuấn

BẢN DESKTOP