Ý kiến bạn đọc

Nhà khoa học, chuyên gia nói về "Chúng Tôi"

  • Tác giả : Mai Loan
Các chuyên gia đánh giá cao giá trị của Báo Khoa học và Đời sống trong chặng đường 65 năm qua và cho rằng, nên giữ lại tên đã làm nên thương hiệu của tờ báo trong lòng độc giả và các chuyên gia uy tín.

Trong lịch sử phát triển gần 65 năm, Báo Khoa học và Đời sống đã xây dựng được uy tín với độc giả, đồng thời tập hợp đội ngũ đông đảo nhà khoa học là các chuyên gia đầu ngành ở mọi lĩnh vực.

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Sức mạnh của hàng vạn bài báo Khoa học và Đời sống

GS Nguyễn Lân Dũng là một trong những nhà khoa học đầu ngành có thời gian cộng tác rất dài với Báo Khoa học và Đời sống. GS Nguyễn Lân Dũng cho hay, hầu như nước nào cũng có câu “Tri thức là sức mạnh”. Tiếng Anh là “Knowledge is power”, tiếng Pháp “La connaissance est le pouvor”, tiếng Nga “Znaniye-Sila”, tiếng Trung Quốc “Tri thức tựu thị lực lượng”…

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.

Tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, đảm bảo chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

“Báo Khoa học và Đời sống đã làm đúng tinh thần Tri thức là sức mạnh, như Nghị quyết của Đảng và lời căn dặn của Bác Hồ. Các nhà khoa học cộng tác với Báo viết hàng ngàn, hàng vạn bài báo phổ biến kiến thức khoa học, giúp nhân dân, nhất là người lao động ít có điều kiện tiếp xúc kiến thức khoa học biết sống hợp vệ sinh và lao động với năng suất cao. Rất nhiều kinh nghiệm có giá trị được vinh danh và phổ biến”, GS Nguyễn Lân Dũng đánh giá.

GS Nguyễn Lân Dũng.

GS Nguyễn Lân Dũng.

Chia sẻ chặng đường gắn bó với Báo, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay, là cán bộ khoa học, lại hoạt động trong lĩnh vực sinh học, rất gần gũi với nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, ông thường xuyên tham gia viết bài hoặc góp phần giải đáp khoa học cho bạn đọc. Ông coi đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui trong cuộc sống.

Một trong những kỷ niệm ông nhớ nhất là kiến thức về làm bánh men và thực hiện “tắt bếp, ủ men” đã được nông dân ở khắp nơi hưởng ứng. Việc động viên nhân dân làm bèo hoa dâu cũng góp phần vào thắng lợi của các vụ lúa đông xuân. Việc phát triển trồng điền thanh theo phương thức trên các mô đất cũng góp phần giải quyết cân bằng đạm trong nông nghiệp. Cùng các nghiên cứu vừa có tính khoa học và ứng dụng, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngay trong nước.

Để giữ vững được thương hiệu và tiếp nối, kế thừa giá trị của tờ báo gần 65 năm qua, trong giai đoạn mới, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Báo Khoa học và Đời sống cần gắn bó với đội ngũ khoa học vẫn thường xuyên cộng tác với Báo. Cùng đó, giữ mối liên hệ với đông đảo bạn đọc để phản ánh với các chuyên gia về những thắc mắc, những bức xúc của quần chúng, nhất là quần chúng lao động.

Báo cần giới thiệu cụ thể những sáng kiến của nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, chế biến nông sản phẩm đồng thời với sự giải thích đầy đủ nguyên lý khoa học của các chuyên gia.

“Trong kinh nghiệm của mình, tôi và các bạn ở Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học luôn sẵn sàng cộng tác với Báo trong giai đoạn mới”, GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí: Đánh giá rất cao giá trị của Khoa học và Đời sống

GS Nguyễn Anh Trí, thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chia sẻ, hiện nay, các trang mạng xã hội rất phổ biến. Những trang mạng này có lợi thế là truyền tin nhanh, tổng hợp nhiều khía cạnh theo giờ, thậm chí là phút. Tuy nhiên, cùng đó là những nhược điểm, hạn chế. Trong đó, nhược điểm lớn nhất là thông tin không được kiểm chứng, lộn xộn.

Chính vì thế, bạn đọc phải biết chắt lọc thông tin. Nếu chỉ dựa vào thông tin từ các trang mạng xã hội, khả năng sai rất lớn, nhất là thông tin về lĩnh vực nhạy cảm, hoặc khoa học. Tuy nhiên, không phải độc giả nào cũng có đủ kiến thức, am hiểu để có thể phân biệt được thật giả, đúng sai.

“Mạng xã hội ngày càng phát triển nhưng không thể thay thế được báo chính thống với thông tin nghiêm túc, chuẩn mực, được kiểm duyệt chặt chẽ. Đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Báo Khoa học và Đời sống là chỗ dựa tin cậy, gửi gắm niềm tin của độc giả, bởi Báo có đội ngũ chuyên gia uy tín đồng hành”, ông Trí nói.

GS Nguyễn Anh Trí tâm sự, đối với cá nhân ông, Khoa học và Đời sống là tờ báo đã đi cùng sự phát triển tri thức của cá nhân, từ thuở ấu thơ cho đến khi thành nhà khoa học.

Ngày nhỏ, ông rất hay đọc Báo Khoa học Thường thức (tiền thân của Báo Khoa học và Đời sống sau này). Đến khi trở thành sinh viên Y khoa, ông viết bài cộng tác thường xuyên với Báo Khoa học và Đời sống. Ngày đó, mức nhuận bút đối với một sinh viên dù chỉ vài đồng nhưng rất giá trị.

GS Nguyễn Anh Trí.

GS Nguyễn Anh Trí.

GS Nguyễn Anh Trí cho biết, Báo Khoa học và Đời sống đã cung cấp cho ông kiến thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, đặc biệt về khoa học kỹ thuật, cập nhật sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong nước cũng như nước ngoài.

“Tôi rất yêu quý tờ báo này và đây là một trong những báo rất hay tìm đọc. Tôi đánh giá rất cao giá trị của tờ báo và thấy cần thiết phải có một tờ báo như vậy”, GS Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đứng trước tình hình mới, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, báo chính thống nói chung và Khoa học và Đời sống nói riêng cũng cần có sự thay đổi, nâng cấp, tăng tốc.

Ví dụ, cần phải chuyển đổi về hình thức và nội dung đa dạng hơn. Mạng xã hội cập nhật liên tục, các trang báo điện tử cũng phải tăng tốc rất nhanh trong việc đưa tin. Nếu báo chính thống có thông tin tốt, chính xác, lại kèm tốc độ nhanh, mạng xã hội không thể cạnh tranh được. Ông rất mong Báo Tri thức và Cuộc sống có được điều đó. Không vì khó khăn mà lùi bước.

Về tên gọi của tờ báo, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, Khoa học và Đời sống đã là một thương hiệu. Đó là cái tên đã gắn bó với bạn đọc, trong đó có những nhà khoa học lớn của đất nước. Cho nên, ông rất ủng hộ việc sử dụng tên gọi đã trở thành thương hiệu.

Bỏ một thương hiệu đã có bề dày để xây dựng tên gọi mới sẽ mất rất nhiều thời gian, tâm sức. Có thể vì lý do này, Báo sẽ mất đi một lượng bạn đọc nhất định.

PGS.TS Bùi Thị An: Báo Khoa học và Đời sống là tiếng nói của trí thức

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng, cho biết, Báo Khoa học và Đời sống là tiếng nói của trí thức. Tờ báo đã đem những hiểu biết của trí thức lan tỏa đến cộng đồng. Và một điều rất quan trọng là chia sẻ kiến thức về khoa học trong tương lai, những đón đầu của khoa học hiện đại để mọi người biết. Bởi dân trí thức bao giờ cũng có những tổng kết, tổng quan, có dự báo trước của khoa học.

Đồng thời, Báo cũng chuyển tải nguyện vọng của giới trí thức đến các cấp quản lý nhà nước. Phản biện chính sách để các cấp làm chính sách phải chuyển đổi, chỉnh sửa bất cập, trong đó có chính sách liên quan khoa học công nghệ.

PGS.TS Bùi Thị An.

PGS.TS Bùi Thị An.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, những ý kiến của bà chia sẻ trên Báo Khoa học và Đời sống được nhiều người chấp nhận, chứng tỏ có cơ sở khoa học, đúng với thực tiễn.

Hiện nay, có nhiều luồng thông tin khác nhau nhưng thông tin, kiến thức phát ra từ tờ báo chính thống như Khoa học và Đời sống luôn có giá trị, bởi có cơ sở khoa học, có thể áp dụng trong thực tiễn.

“Những nhà báo đã viết trên Báo Khoa học và Đời sống có trách nhiệm với chính ngòi bút của mình và trách nhiệm với tờ báo. Cho nên, những thông tin đưa ra trên báo có sự tin cậy. Sau gần 65 năm phát triển, Báo Khoa học và Đời sống đã gây dựng được thương hiệu của mình”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Lương y Phó Hữu Đức: Cái tên Khoa học và Đời sống đã tạo tiếng vang

Lương y Phó Hữu Đức.

Lương y Phó Hữu Đức.

Lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y Cầu Giấy, kể, ông cộng tác với Báo Khoa học và Đời sống từ năm 2002. Một phóng viên của Báo là bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh hiếm muộn do nội tiết tố. Sau 3 tháng điều trị, nữ phóng viên đã mang thai. Ông tiếp tục tư vấn cho nữ phóng viên về vấn đề thai sản, rồi khi sinh con, cắt thuốc thiếu sữa... Hai mẹ con đều khỏe mạnh.

Sau đó, nữ phóng viên đề nghị ông cộng tác với Báo trên cương vị tư vấn sức khỏe, phổ biến kiến thức về Đông y cho chuyên mục của Báo. Ông làm cộng tác viên cho Báo kể từ đó.

“Khoa học và Đời sống là báo có tiếng nói uy tín trong việc phổ biến, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe thực tiễn trong đời sống hằng ngày”, lương y Phó Hữu Đức khẳng định.

Theo ý kiến của ông, tên “Khoa học và Đời sống” bao hàm ý nghĩa sâu rộng, gồm cả tri thức rồi. Tên Báo đã trở thành thương hiệu, gắn bó với nhiều thê hệ độc giả, tạo được tiếng vang và uy tín trong cộng đồng. Vậy tại sao không tiếp tục dùng tên gọi đó?

“Tôi hy vọng một ngày không xa, tên Báo Khoa học và Đời sống sẽ quay lại với cộng đồng độc giả yêu quý Báo”, lương y Phó Hữu Đức bày tỏ.

Mai Loan

BẢN DESKTOP