Chứng khoán

Nhà đầu tư “ồ ạt” mở tài khoản chứng khoán, chuyên gia cảnh báo bong bóng

  • Tác giả : Vân Tuyết
(khoahocdoisong.vn) - Ghi nhận tại các công ty chứng khoán (CTCK) đầu năm 2021 cho thấy các nhà đầu tư vẫn “ồ ạt” đi mở tài khoản. Nhiều chuyên gia lo ngại  tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế và tiềm ẩn rủi ro bong bóng rất lớn.

Chạm đỉnh sau gần 3 năm

Thị trường chứng khoán Việt Nam đầu năm 2021 tăng trưởng vượt bậc về điểm số và thanh khoản. Trong phiên sáng ngày 13/1/2021, VN-Index đã chạm lại mốc 1.200 điểm sau gần 3 năm. VN-Index đạt đỉnh cao lịch sử vào ngày 9/4/2018 khi đạt 1.204,33 điểm. Thanh khoản cũng đạt mức kỷ lục kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.

Thanh khoản thị trường đã tăng mạnh từ quý 4/2020. Đặc biệt, trong tháng cuối năm, thị trường thường xuyên xuất hiện những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh đạt trên 15.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, các phiên giao dịch thậm chí đạt được thanh khoản 18.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Tiếp đà “say” chứng khoán suốt từ đầu tháng 4/2020 đến nay, lượng tiền vào thị trường ngày càng tăng. Tính từ phiên 31/12/2020 - 12/1/2021 thị trường đã có 8 phiên tăng trưởng liên tiếp với thanh khoản rất cao, khiến cho sàn HOSE liên tiếp nghẽn lệnh. Sáng 13/1, chỉ sau ít phút giao dịch VN-Index bứt lên mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ số quay đầu giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,23 điểm xuống 1.186,05 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 819,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 18.193,5 tỷ đồng.

Việc nhà đầu tư "F0" ồ ạt đổ tiền vào thị trường có nguyên nhân không nhỏ từ xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây. Với việc lãi suất tiết kiệm đang ở mức rất thấp (khoảng 5,5%/năm), nhà đầu tư đang dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như BĐS, chứng khoán. Tại các CTCK lớn những ngày này vẫn đang xuất hiện thêm hàng trăm tài khoản được mở mới mỗi ngày và điều này sẽ mang lại dòng tiền lớn tới thị trường.

Theo đánh giá của nhiều CTCK trong nước, chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm và thậm chí CTCK Phú Hưng (PHS) còn dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm trong năm nay.

Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm. Rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ tăng cao khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự này, đặc biệt là khi trạng thái quá mua của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu.

Dữ liệu thống kê từ năm 2011 tới nay cho thấy quý 1 thường là giai đoạn chỉ số VN-Index có biến động tích cực nhất trong năm với xác suất tăng điểm cao nhất. Trong 10 năm qua, chỉ có 3 lần VN-Index giảm điểm trong quý 1, đó là năm 2011, năm 2016 và năm 2020. Trong đó, quý 1/2020, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm tới 31,06% bởi ảnh hưởng của Covid-19 và cũng được ghi nhận là quý "tồi tệ" nhất lịch sử TTCK Việt Nam. Chính vì vậy, với sự trở lại dòng vốn ETFs và sự bùng nổ của dòng tiền nhà đầu tư "F0", VN-Index rất có thể sẽ tiếp tục tăng cao vượt mốc 1.200 điểm.

VN-Index có xác suất tăng điểm cao nhất trong quý 1.

VN-Index có xác suất tăng điểm cao nhất trong quý 1.

Lo bong bóng

Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt – VDSC, thị trường tài chính trong ngắn hạn vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tâm lý nhà đầu tư. Trên thực tế, sự tác động của yếu tố tâm lý thường rất phức tạp và tiềm tàng khả năng đưa thị trường vào trạng thái bất ổn định.

Hiện tại, thị trường Việt Nam số lượng nhà đầu tư đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, khi tổng giá trị giao dịch mà họ thực hiện luôn vượt trội nhất trong 4 năm gần đây, chiếm từ 70 - 80% tổng lượng giao dịch toàn thị trường, trong khi con số này tại thị trường Mỹ chỉ là 25%.

Tuy vậy, không giống như nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư cá nhân thường mang tâm lý kém vững vàng khi tham gia thị trường và đôi khi đưa ra các quyết định mua bán thiếu cẩn trọng. Đồng thời, trái ngược với nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư, các quyết định của nhà đầu tư cá nhân tập trung ở khung thời gian ngắn hạn nhiều hơn.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên diễn biến thị trường, tạo ra những biến động mạnh trong trường hợp có tin tức bất ngờ. Tuy vậy, các quyết định ngắn hạn lại tiềm tàng định giá thông tin sai lệch, VDSC nhận định.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc đầu tư Công ty CP Quản lý Quỹ PVI cũng cho rằng, yếu tố được cho là lớn nhất hỗ trợ thị trường chứng khoán là lãi suất thấp và sẽ tiếp tục được duy trì. Dù VN-Index vượt 1.000 điểm nhưng phần lớn nhờ vào nhà đầu tư cá nhân, đây là những nhà đầu tư có khẩu vị thay đổi nhanh.

Chuyên gia kinh tế, TS Quách Mạnh Hào cho rằng, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian gần đây không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế và điều này tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu gia tăng trong những năm tiếp theo. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021 nhưng vẫn phải hết sức nỗ lực để đạt được mức tăng 6% GDP và lạm phát dưới 4%.

TS Cấn Văn Lực cũng bày tỏ lo ngại tương tự và nhấn mạnh cẩn trọng với hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền đổ vào chứng khoán. "Lãi suất đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác tương đối nhanh, trong đó có chứng khoán và chúng ta phải thận trọng đối với xu hướng đó. Hiện nay, tổng nợ toàn cầu đã tương đương với khoảng 350% GDP – lớn chưa từng có và tăng khoảng 40 - 45% trong 2 năm vừa qua vì lãi suất thấp. Bài toán đặt ra với Việt Nam là lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Thấp quá chưa chắc đã tốt vì phải đảm bảo lợi ích của rất nhiều bên trong nền kinh tế, cả người gửi tiền, người vay tiền và cả câu chuyện điều hành vĩ mô, lạm phát. Nếu không, chúng ta sẽ lại phải đối mặt với hệ lụy bong bóng lâu dài", vị chuyên gia này phân tích.

Trong báo cáo chiến lược thị trường năm 2021 mới nhất, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết họ bắt đầu có quan điểm thận trọng nhất định sau một thời gian duy trì quan điểm rất tích cực về thị trường chứng khoán.

Vân Tuyết

BẢN DESKTOP