Dọc đường

Nhà của Pao

Tôi đồ rằng, nhà của Pao là ngôi nhà trình tường cổ và đẹp nhất vùng cực bắc nước Nam. Ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của Trung đội trưởng đội quân của “Vua Mèo” Vương Chí Sình, trải qua mấy đời người thăng trầm dâu bể, ngôi nhà ấy vẫn nguyên giá trị và đang có dự án nâng cấp để bảo tồn.

Không gian ngôi nhà trình tường với cửa gỗ, hiên đá, ngói máng.

Phim nhựa “Chuyện của Pao” do đạo diễn Quang Hải thực hiện đoạt giải Cánh diều vàng từ năm 2006 và nhiều thành công rực rỡ khác. Nhưng hầu như, chẳng ai biết đến ngôi nhà trình tường cổ trứ danh của người Mông đã làm “nền” cho bộ phim nổi tiếng này.

Nhà cổ vùng biên

Nói là “nhà của Pao” nhưng thực ra không phải là nhà của Pao mà Pao chỉ là nhân vật trong tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy được đạo diễn Quang Hải dựng thành phim, bối cảnh là ngôi nhà trình tường của ông Mua Súa Páo ở xã biên giới Sủng Là (Đồng Văn – Hà Giang).

Không phải chờ đến khi phim “Chuyện của Pao” đoạt giải thì ngôi nhà mới nổi tiếng. Mà nó đã nổi tiếng từ những năm 1950 rồi. Chủ nhân ngôi nhà là ông Páo lừng danh bởi từng giữ chức Trung đội trưởng đội quân của Vua Mèo thời trước cách mạng tháng Tám.

Có tiền, ông Páo mới thuê thợ giỏi nhất về xây dựng liên tục trong mấy năm ròng. Ngôi nhà trình tường vững chãi 2 tầng với 3 dãy nhà ghép thành hình chữ U để lộ phần sân nhỏ lát đá tảng từng có giá 20 triệu đồng tiền cũ mà có tính ra cũng phải hàng chục tỷ bây giờ.

Ông Páo làm ngôi nhà năm 1946, tức sau cách mạng tháng Tám chỉ một thời gian ngắn. Lúc này ông đang làm chức Phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND xã Sủng Là mà không ai nói gì đến nguồn tiền làm ngôi nhà. Vì người ta biết tỏng, số tiền khổng lồ bỏ ra thuê mướn nhân công xây dựng là tiền lương ki cóp được trong thời gian phục vụ bên cạnh Vua Mèo.

Bây giờ ở bản Lũng Cẩm Trên chỉ còn ông Mua Vản Sấu là còn nhớ được chuyện nhà ông Páo. Ông Sấu bảo: “Ông Páo là huyền thoại vùng cực Bắc này rồi, chỉ xếp sau Vua Mèo mà thôi. Ngôi nhà của ông Páo cũng thuộc loại đẹp nhất chứ không đâu sánh được”.

Tôi và ông Mai Bá Nin – Phó chủ tịch UBND xã Sủng Là đi quanh ngôi nhà, chợt thấy một tấm đá nhỏ khắc dòng chữ Pháp. Hỏi ra, mới biết gia đình mới “khai quật” được ở góc chuồng lợn, là dòng chữ mà người Pháp để lại sau thời gian “ngắm nghía” ngôi nhà.

Từ ngôi nhà trình tường cổ kính này, đi ngược ra sau leo lên một ngọn núi cao nhìn xuống mới thấy nhà cổ là giá trị nhất vùng cực Bắc. Giữa những làn sóng đá vôi xám ngoét, đen kịt dưới thung lũng, bên kia là nước bạn Trung Quốc, bên này là nhà cổ vững chãi như cột mốc trấn giữ vùng biên.

Chị Ly Thị Chúa bên bậu cửa, hình ảnh quen thuộc của phụ nữ người Mông.

Chuyện trong nhà

Qua lời ông Vàng Mỹ Tính – Trưởng bản Lũng Cẩm Trên thì gia tộc Mua Súa Páo là “danh gia vọng tộc” của người Mông ở Sủng Là này. Bản Lũng Cẩm Trên cũng chỉ có 2 dân tộc là Mông và Hoa sinh sống nên cả một vùng rộng lớn cũng chỉ đếm được có 62 gia đình với 292 con người.

Ngôi nhà cổ của ông Páo xếp vào hàng “tứ đại đồng đường”, năm 1979 con trai ông Páo là Mua Súa Vừ qua đời, một năm sau thì ông Páo cũng về với tổ tiên. Anh Mua Phái Tủa đứng ra gánh vác việc gia đình và lấy chị Ly Thị Chúa làm vợ.

Vào những năm 2006, khi bộ phim “Chuyện của Pao” vừa quay xong, chúng tôi đã làm quen với chị Chúa. Năm ấy, cô gái Mông tuổi 18 trăng tròn đẹp như hoa nở. Còn bây giờ, chỉ sau vài năm không gặp, chị đã già đi trông thấy. Vẫn con người ấy ngồi bên bậu cửa, nhưng đã khác xưa, già, đen và ít cười hơn trước.

Anh Tủa thì cứ đi biền biệt, nay làm thuê vùng biên, mai đã vượt sang biên giới. Anh làm đủ thứ nghề, từ bốc vác đến thồ hàng, ai thuê gì anh cũng làm để có tiền nuôi vợ và con.

Nhà giữa cùng sân với anh Tủa là nơi ở của ông Mua Sín Già. Chúng tôi bước vào phía trong, căn nhà được soi sáng bởi ánh lửa trong bếp ở gian bên cạnh. Ông Già thấy nhà có khách thì cười ha hả và lôi chum rượu ra mời khách. Ông Già bảo: “Tao có 2 vợ cùng sống chung một nhà, vui lắm. Ở Sủng Là không ai được như tao”.

Theo quan hệ gia tộc, ông Già là cháu gọi ông Páo là bác ruột. Ông Già lấy vợ đã lâu nhưng không có con. Mấy năm vừa rồi, bà vợ cả mới đi tìm vợ hai cho chồng. Bây giờ, con cái đã đuề huề, ông Già chỉ còn mỗi việc trông nhà và uống rượu để hai bà vợ lên nương trồng ngô, làm sắn.

Ông Mua Sín Già và chiếc cối xay cũ.

Nụ cười sau bờ rào đá

Ông Vàng Mý Tính – Trưởng bản Lũng Cẩm Trên cho hay: “Ngôi nhà cổ của ông Páo là tài sản quý nhất của bản. Khách du lịch dưới xuôi lên, người Tây cũng đến ngắm nghía suốt ngày. Nhưng không ai dám vào bên trong vì sợ phong tục, sợ bóng tối, sợ ngôi nhà bị sập, vì xuống cấp quá rồi”.

Chợt tôi nghĩ tới buổi nói chuyện trước đó với ông Lầu Mí Pó – Phó chánh văn phòng UBND huyện Đồng Văn. Ông Pó vui mừng thông báo về đề án xây dựng và phát triển bản Lũng Cẩm Trên xã Sủng Là trở thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu gắn với nông thôn mới.

Đứng ngay cạnh bờ rào được xếp bằng đá núi tai mèo bên cổng vào, ông Mai Bá Nin – Phó chủ tịch UBND xã Sủng Là bảo: “Xã này đang được chọn làm xã điểm để xây dựng Nông thôn mới của huyện Đồng Văn, ngôi nhà cổ của ông Páo cũng sẽ được đầu tư, tôn tạo và nâng cấp để kết hợp làm làng văn hóa du lịch các dân tộc”.

Cổng nhà Pao với hàng rào đá đặc trưng.

Phía bên kia hàng rào đá, chị Chúa đang ôm đứa con nhỏ trong lòng, nghe lãnh đạo địa phương nói vậy thì nở nụ cười rất tươi. Chị bảo: “Ngôi nhà này được tôn tạo cho vững chãi như xưa là mừng rồi, ngôi nhà vẫn còn đẹp, rồi mai kia người dưới xuôi lên thăm lại trầm trồ khen ngợi đấy”.

Chúng tôi rời nhà cổ, những đứa trẻ người Mông cứ cố níu lại, bên cánh cổng xưa chị Chúa gọi với “U mạn gi”, hẹn gặp bạn vào ngày gần nhất.

“Nhà trình tường nói chung là một nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc vùng cao. Nhà người Mông ở Sùng Là dù to hay nhỏ, dù mới hoặc truyền thống đều được xây 2 cửa, một chính và một phụ. Nhà cổ của ông Páo cũng thế, đó không chỉ là biểu hiện kiến trúc của người Mông mà còn mang giá trị tư tưởng, là chỗ dựa văn hóa của bà con dân tộc”, ông Mai Bá Nin – Phó chủ tịch UBND xã Sủng Là.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP