Khám phá

Nguyễn Văn Hiếu: Làm quan cũng nên giữ gìn như lúc tận khổ

Tháng 11 năm 1831, khi tỉnh Hà Nội được thành lập, Nguyễn Văn Hiếu được bổ làm Tổng đốc Hà – Ninh (Hà Nội và Ninh Bình). Từ tháng giêng năm Nhâm Thìn 1832, ông còn được triều đình cử kiêm chức Tuần phủ Hà Nội. Đến tháng bảy cùng năm, ông được triệu về Kinh đô và được vua thăng Tả quân Đô thống phủ, Chưởng phủ sự, tước Lương Năng bá.

Hình minh họa.

Nhà quan mà xơ xác

Nguyễn Văn Hiếu, khi làm quan thì được tiếng thanh liêm, cần mẫn. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép, Nguyễn Văn Hiếu là người thanh liêm và quả quyết, cho hay nhận vật gì cũng đều thận trọng. Ông thường nghiêm cấm người nhà không được tự ý giao thiệp với người ngoài.

Tết nhất hàng năm, ai biếu gì cũng chối từ, nhà quan mà xơ xác, lương bổng năm nào chỉ đủ chi dùng cho năm đó, chẳng dư dả gì.

Phu nhân của ông thường đem việc này nói với ông, ông cười mà rằng: – Phu nhân không còn nhớ thuở còn đi cắt cỏ thuê ư? Lúc ấy mỗi khi đi đâu thì vợ chồng phải đổi áo mà mặc, chỉ lo đủ cái ăn cho mỗi ngày. Nay sánh với xưa đã hơn gấp mấy mươi lần, thế mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu sao? Phu nhân ông từ đó không dám đem chuyện tài lợi mà thưa với ông nữa.

Sách Gò Công xưa đánh giá, Nguyễn Văn Hiếu xuất thân võ biền, nhưng lại có phong thái của một Nho thần. Một lần các vị tân khoa đến nhà chào, ông tiếp đãi rất ân cần rồi nói rằng, khổ công đèn sách mười năm mới có được ngày nay, tôi xin mừng cho các thầy. Nhớ ngày sau được bổ dụng làm quan cũng nên gìn giữ như lúc tận khổ, chớ có xa xỉ quá để mang tiếng xấu cho thân danh và phụ ý tốt tuyển chọn nhân tài của triều đình.

Chém đầy tớ nhận hối lộ

Khi làm quan, Nguyễn Văn Hiếu có nhiều đức tốt, dân chúng rất yêu. Bọn lại dịch nếu làm điều không phải là ông nghiêm trị, khiến chúng rất sợ.

Trong hạt có lắm trộm cướp, ông thân đem quân đi bắt, bọn cướp răn bảo nhau rằng: – Quan Trấn thủ nhân hòa, ấy là Phật sống, bọn ta nên kính cẩn mà lánh đi. Sách Đại Nam thực lục – bộ quốc sử của triều Nguyễn chép: vào dịp giáp Tết Quý Mùi năm 1823, năm Minh Mạng thứ tư, có viên thổ ty xin đến nhà ông để “yết kiến”.

Khi bàn xong xuôi công việc, viên thổ ty trình ra trước mặt Nguyễn Văn Hiếu một lễ vật rất hậu, gọi là “của núi rừng”, xin được biếu và mong quan Trấn thủ vui lòng nhận, nhân dịp Tết cổ truyền sắp đến. Nguyễn Văn Hiếu ôn tồn khước từ, bắt mang về. Nhưng khi Nguyễn Văn Hiếu đã vào nhà, viên thổ ty còn đang lừng chừng đứng trước cửa nhà, thì tên đầy tớ nhà bếp lẻn ra dọa nạt, lấy lại một nửa phần lễ vật.

Qua Tết ít ngày, Nguyễn Văn Hiếu mới được biết chuyện tên đầy tớ làm chuyện ăn chặn. Ông rất giận và ngay lập tức cho gọi ra tra hỏi. Tên đầy tớ thú nhận. Nguyễn Văn Hiếu liền lôi hắn ra chém. Người nhà và các quan lại dưới quyền có mặt tại nhà ông khi đó ra sức can ngăn cũng không được.

Sau đó, Nguyễn Văn Hiếu dâng sớ lên vua Minh Mạng xin chịu tội. Vua cho rằng, Nguyễn Văn Hiếu làm như vậy để khuyến khích việc thanh liêm là đúng, nhưng lại tự tiện đem giết tên đầy tớ là phạm luật, nên giáng ông xuống ba cấp; song vẫn cho ông được lưu chức.

Nguyễn Văn Hiếu có chính sự tốt, làm quan ở đâu cũng cần mẫn, quả quyết, thận trọng trong việc dùng quyền hành, sâu sát với thực tế.

Thời gian làm Tổng đốc Hà – Ninh kiêm Tuần phủ Hà Nội, ông có bốn đề xuất, được vua Minh Mạng khen ngợi và cho thực thi, trong đó, có việc cho dời lỵ sở của phủ Hoài Đức ở phố Phủ Doãn nhỏ hẹp về Dịch Vọng thuộc huyện Từ Liêm (nay là khu vực Học viện Báo chí tuyên truyền, thuộc quận Cầu Giấy).

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP