Khám phá

Nguyễn Trực – Trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê – Kỳ 2: Công danh hai nước đều hoàn thành

Công danh hai nước đều hoàn thành, Nguyễn Trực được

Bàn thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực.

Nỗ lực trổ tài làm rạng danh quốc thể

Năm Giáp Tý (1444), Nguyễn Trực được vua Lê Nhân Tông ban chức Triều nghi đại phu Hàn lâm viện học sĩ Vũ Kỵ úy, ít lâu sau ông lại được vua tuyên triệu về triều ban chức Hàn Lâm viện thị giảng chi thập thị học sĩ ngự tiền học sinh nhị cục tầm ban.

Năm Ất Sửu (1445) được đổi thành Thiếu Trung khanh Đại phu Ngự sử đài Ngự sử thi Đô úy, nhưng Nguyễn Trực đã dâng sớ từ chối khiến vua Lê Nhân Tông phải sắc dụ tới ba lần ông mới chịu nhận. Mặc dù nhận nhưng Nguyễn Trực vẫn tự cho mình chưa đủ tài năng để đảm nhận chức vụ ấy.

Trong bài biểu tạ ơn vua, Nguyễn Trực viết: “Đức tiên hoàng (Lê Thái Tông) thân ra văn sách vấn, đã chấm cho đỗ Khôi nguyên. Nay bệ hạ nối chí thủ văn, lại đặt vào hàng pháp tụng. Thêm tuổi trẻ mà vinh hoa tột bậc e điều hư danh của tạo hóa, huống những thẹn thùng, ân nghĩa hai triều chưa đáp. Trên ban mệnh lệnh, quyền hành một lộ được chuyên”.

Năm Đinh Sửu (1457), khi đang chịu tang mẹ, vì có sứ nhà Minh Hoàng Gián tìm gặp nên vua Nhân Tông tuyên triệu Nguyễn Trực về triều. Nhờ vào tài năng ứng phó bằng thơ văn khiến sứ giả nhà Minh vô cùng cảm phục.

Năm đó Nguyễn Trực được cử đi sứ Trung Quốc. Khi đến nơi, gặp khoa thi Đình, vua Minh muốn thử tài sứ thần các nước bèn truyền cho phép đăng ký dự thi.

Nguyễn Trực liền bàn với phó sứ Trịnh Thiết Trường: “Nhà Minh muốn biết tài học vấn của người nước ngoài đây. Nay nhân có sứ thần bốn phương đến nên mới truyền cho tham dự. Tôi và ngài nên đăng ký tham gia. Ngài nghĩ sao?”.

Trịnh Thiết Trường đáp: “Chúng ta cần nỗ lực trổ tài văn thơ trong kỳ thi này để làm rạng danh quốc thể”. Trong kỳ thi ấy Chánh và Phó sứ tài văn võ rực rỡ, chữ đẹp như hoa, câu từ thanh thoát, khiến người Minh phải nể phục.

Kết quả, vua nhà Minh cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên và ban tặng danh hiệu Lưỡng quốc Trạng nguyên, còn phó sứ Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn, nhận danh hiệu Lưỡng quốc bảng nhãn.

Hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, Nguyễn Trực và Trịnh Thiết Trường được vua phong chức Thượng thư và ban thưởng tám chữ “Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã” (công danh hai nước đều hoàn thành).

Triều Lê lừng lẫy mấy ai tày

Nguyễn Trực là văn thần được các vua Lê mến trọng, yêu quý. Vua Lê Nhân Tông rất quý ông. Khi Lê Nghi Dân giành được ngôi báu, biết tài của Nguyễn Trực nên ra sắc dụ vời ra làm quan nhưng ông từ chối.

Đời vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), Nguyễn Trực càng được yêu quý, thơ văn vua sáng tác phần lớn đều đưa đến cho Nguyễn Trực xem để nhận xét, bình phẩm.

Bộ sách Thiên Nam dư hạ tập vua cũng cho người mang đến để Nguyễn Trực đọc, đủ thấy vua quý trọng ông đến nhường nào.

Làm quan một thời gian, do có những việc chưa vừa ý, Nguyễn Trực lấy cớ có bệnh xin cáo quan về quê, mấy lần dâng sớ nhưng vua Lê Thánh Tông không chấp nhận.

Đến khi Nguyễn Trực mất, vua thương tiếc vô cùng, truy tặng ông hàm Thái bảo, ban tiền bạc để làm lễ viếng, vua còn sai các đại thần hộ tống linh cữu Nguyễn Trực về tận quê hương, rồi sai dân bản quán lập đền thờ phụng.

Một đại thần đồng triều với Nguyễn Trực là Thân Nhân Trung đã ca ngợi ông là: “Khai quốc Trạng nguyên, văn chương vẻ vang trong nước, nổi tiếng một thời. Triều vua nào cũng yêu chuộng giữ việc văn hành ở ngôi quán các, là người khiêm tốn, trước sau vẹn toàn”.

Còn trong sách Việt sử tổng vịnh biên soạn vào thời Nguyễn cũng có câu khen Nguyễn Trực “triều Lê lừng lẫy mấy ai tày”.

  Dương Tuấn

BẢN DESKTOP