Chữa bệnh không dùng thuốc

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) hay còn gọi là COPD. Bệnh thường gặp và đang gia tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên bệnh có thể dự phòng và điều trị được nếu biết kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý với liệu pháp điều trị đúng. Dưới đây là nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Dinh dưỡng tốt cho bệnh.

Sự cần thiết phải bổ sung dinh dưỡng cho người mắc BPTNMT

Ở bệnh nhân BPTNMT (COPD), đặc biệt là các bệnh nhân giai đoạn bệnh nặng thường có tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt các vitamin và các nguyên tố vi lượng. Theo nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 70% số bệnh nhân BPTNMT có biểu hiện thiếu hụt dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau.

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở bệnh nhân như: quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn kém, tình trạng stress, lo lắng về bệnh tật, khó thở gây cản trở việc ăn, uống, hoặc do tác dụng phụ của các thuốc điều trị…

Hậu quả của suy dinh dưỡng ở người bệnh tất yếu dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn phát triển và dẫn tới các đợt cấp của bệnh, làm bệnh tiến triển nhanh và nặng.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân COPD

– Đảm bảo đủ năng lượng cho các hoạt động thông thường cũng như hoạt động thở gắng sức của bệnh nhân. Thông thường ở bệnh nhân BPTNMT tiêu tốn năng lượng cho quá trình hô hấp gấp 5-10 lần người bình thường. Vì vậy nhu cầu năng lượng tối thiểu hằng ngày cho các bệnh nhân BPTNMT là 30 kcalo/kg trọng lượng cơ thể.

Năng lượng được cung cấp chủ yếu từ 3 nguồn: chất bột, đạm và chất béo. Nên ưu tiên đạm và chất béo cho bệnh nhân vì việc sử dụng nhiều tinh bột có thể làm tăng CO2trong máu (bởi các bệnh nhân vốn đã tăng mạn tính CO2 trong máu).

– Bổ sung các loại vitamin, các yếu tố vi lượng như ăn các loại rau, củ, quả, đặc biệt các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A,C,E vì các vitamin này có tác dụng giảm các gốc ôxy hóa do khói thuốc lá và quá trình viêm mạn tính của bệnh tạo ra.

Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh không chỉ tăng cường các yếu tố dinh dưỡng mà còn góp phần giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón ở bệnh nhân BPTNMT. Trung bình bệnh nhân BPTNMT cần lượng xơ 25-35mg/ngày (từ rau, củ, quả)…

-Hạn chế lượng muối ăn vào, nhất là khi đã có tâm phế mạn (có suy tim) bởi lượng muối cao sẽ góp phần gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng cho tim. Dùng không quá 5g muối 1 ngày

-Người bệnh cũng cần chú ý bổ sung lượng nước trong ngày (trung bình khoảng 2 – 3 lít) để hạn chế táo bón, giúp làm loãng đờm, tạo điều kiện cho ho khạc đờm dễ dàng. Có thể sử dụng các loại nước hoa quả vừa để bổ sung nước, đồng thời bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đã có biến chứng tâm phế mạn thì cần bổ sung nước vào cơ thể theo hướng dẫn của thầy thuốc.

– Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no có thể gây khó thở (ăn khoảng 5-6 bữa/ngày). Thực phẩm nên được chế biến nhừ để dễ nhai, tránh để phải gắng sức khi ăn.

-Tăng cường tập thể dục từ nhẹ đến nặng tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân. Nên tập từ 15-30 phút /ngày. Đặc biệt những bệnh nhân đang thở oxy có thể vận động nhẹ nhàng tại giường bệnh để hạn chế teo cơ và tăng cường lưu thông khí huyết.

BS Lan Anh

(Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông)

BẢN DESKTOP