Khám phá

Nguyễn Hữu Cầu – thủ lĩnh nông dân – kỳ 3: Bài thơ làm trước lúc hành hình

Bài thơ làm trước lúc hành hình của

Đình Trà Cổ, nơi thờ Quận He.

Bài thơ làm trước lúc hành hình

Cũng tương truyền có lần hai bên đối trận, Phạm Đình Trọng ra vế đối sai người đưa cho Cầu như sau: Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ. Nghĩa là: chữ “Thổ” bỏ nửa một nét ngang, để xuôi là chữ “Thượng”, để ngược là chữ “Hạ”. Câu này có ý đe doạ Cầu, nếu thuận theo triều đình thì có chức, chống lại thì bị diệt.

Cầu viết thư đối lại rằng: “Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương”. Nghĩa là: bộ “Ngọc” có một dấu chấm, để lên đầu là chữ “Chúa”, bỏ đi là chữ “Vương”. Ý nói, chí lớn của mình chẳng làm chúa cũng làm vua chứ không chịu hàng.

Trước khi bị đem hành hình, Nguyễn Hữu Cầu đã làm bài thơ “Chim trong lồng”. Bài thơ còn lưu truyền đến ngày nay. Tương truyền, khi Cầu bị bắt, Trọng lại gần xem Cầu có kêu cầu gì không, nhưng Cầu thản nhiên ngồi hát xướng rất ngang tàng.

Trọng hỏi: – Bây giờ như chim trong lồng, còn gì mà hát? Nghe nói ông có tài thơ, trong trường hợp nào cũng làm được, vậy thử làm bài thơ “Chim trong lồng” xem sao?

Không cần đợi giục, Cầu liền ngâm: “Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu – Vạn lý phong vân cử mục tần – Hỏi sao sao luỵ cơ trần – Bận tài bay nhẩy, xót thân tang bồng – Nào khi vỗ cánh rỉa lông – Hót câu thiên túng trong vòng lao lung – Chim oanh nọ vẫy vùng dậu bắc – Đàn loan kia túc tắc cành nam – Mặc bay đông ngữ tây đàm – Chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung – Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán – Phá vòng vây làm bạn kim ô – Giang sơn khách diệc tri hồ”.

Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng một đời đối địch. Những người tin vào tâm linh có thể coi hai người như có nợ từ kiếp trước, chẳng những đối địch từ khi đi học đến khi cầm quân, khi ra trận, không chỉ đối địch gươm mà đối cả chữ.

Hai người chí hướng khác hẳn nhau, người ra làm quan, người đi làm giặc. Cầu đào mộ mẹ Trọng thì đúng là hành động quân cường khấu, nhưng Trọng là đại quan triều đình cũng trả thù quật lại mộ cha Cầu thì cũng không khá hơn giặc cướp.

Dẹp được Cầu, Trọng được phong làm Binh bộ Thượng thư. Nhưng cũng chỉ ba năm sau (1754), Trọng chết lúc mới 40 tuổi. Có Cầu thì có Trọng đối địch. Cầu không còn thì Trọng cũng ra đi như  truyện dân gian: “Trạng chết thì chúa băng hà”.

Thờ Phạm Đình Trọng, thờ cả Nguyễn Hữu Cầu

Ngày nay có nhiều nơi thờ Nguyễn Hữu Cầu. Tại thôn Cựu Điện xã Nhân Hoà huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có đền thờ Nguyễn Hữu Cầu rất lớn. Tại Đồ Sơn, ông được thờ ở miếu Ngọc Xuyên, trong sáu vị tiên công và hai vị thần có Nguyễn Hữu Cầu (gọi là Bát bộ tôn thần).

Cũng tại Đồ Sơn có “Đài lên ngôi” của quận He. Tại làng Trà Cổ, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có đình Trà Cổ thờ các vị tổ (thành hoàng làng) đồng thời là nơi thờ quận He.

Tại thôn Kinh Giao, An Hưng, An Nại, Hải Phòng quê của Phạm Đình Trọng, bên cạnh đền thờ Đình Trọng có cả đền thờ Nguyễn Hữu Cầu.

Giữa cánh đồng Chàng làng Đồng Hổi gần sông Ngựa Lồng, quê hương ông (Tân An, Thanh Hà, Hải Dương) có miếu Quận. Đây chính là mộ của cha ông, nơi phát tích của quận He; trong miếu có bia ghi: “Tiên triều Ninh Đông vương phát tích mộ”. Đình Lôi Động thờ tam vị thành hoàng trong đó có quận He. Hàng năm vào ngày 11-13/3 âm lịch tổ chức lễ hội.

Theo dân gian truyền miệng ở Đồ Sơn, hội chọi trâu có liên quan đến khởi nghĩa quận He. Tương truyền khi Nguyễn Hữu Cầu mang quân về đây, dân trong vùng mang 3 con trâu ra khao, Quận He định làm thịt 3 con trâu đó để khao quân thì bất ngờ chúng xông vào húc nhau. Quân sĩ của ông và nhân dân kéo tới xem. Từ đó, hàng năm nhân dân vùng Đồ Sơn thường mở hội chọi trâu để tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cầu.

Nguyễn Trung Thành

BẢN DESKTOP