Khám phá

Nguyễn Hữu Cầu – lãnh tụ nông dân

Nguyễn Hữu Cầu – lãnh tụ nông dân

Hình minh họa.

Chiếm đất Đồ Sơn, Vân Đồn làm căn cứ

Nguyễn Hữu Cầu quê làng Lôi Động, huyện Thanh Hà, trấn Hải Dương (nay thuộc Thanh Hà, Hải Dương); xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm nên từ nhỏ đã phải lao động kiếm sống; là người thông minh, nhanh nhẹn, có tài cả văn kiêm võ, múa đao, phi ngựa và đặc biệt bơi lội rất giỏi nên được gọi là quận He, tên một loài cá ở Biển Đông.

Bất bình trước cảnh bất công, quan lại tham nhũng, ức hiếp dân chúng và nhà rất nghèo nên vào những năm 1737-1738, Cầu đã tham gia nhiều vụ cướp thuyền buôn, lấy lương thực chia cho người nghèo.

Năm 1739, Nguyễn Hữu Cầu tham gia cuộc khởi nghĩa của anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá (Hải Dương) và với tài võ nghệ, nghĩa khí, nhanh chóng được thủ lĩnh tin tưởng, được Cừ gả con gái là Nguyễn Thị Quỳnh cho.

Là dũng tướng tài năng, lập nhiều chiến công, góp phần cùng nghĩa quân đánh thắng nhiều trận, tạo uy tín lớn; năm 1741, khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Nguyễn Tuyển chết, Nguyễn Cừ bị bắt, Nguyễn Hữu Cầu trở thành lãnh tụ mới của nông dân vùng châu thổ sông Hồng; đưa quân đánh chiếm vùng Đồ Sơn và đất Vân Đồn làm căn cứ; vì đây là địa bàn thuận lợi để phát triển phong trào và dễ dàng phối hợp với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở trấn  Sơn Nam.

Tướng bảo vệ nhân dân

Từ năm  1742 – 1744, Nguyễn Hữu Cầu lần lượt đánh bại nhiều cuộc tấn công đàn áp lớn của chúa Trịnh. Trong trận Cát Bạc (vùng cửa sông Cấm đổ ra biển), Nguyễn Hữu Cầu tổ chức nghi binh khéo léo, nhử đối phương vào trận địa mai phục, sử dụng hơn 100 chiến thuyền, đánh tan Thuỷ Đạo đốc binh của chúa Trịnh, giết chết chủ tướng Trịnh Bảng.

Sau chiến thắng, thanh thế nghĩa quân và uy danh Nguyễn Hữu Cầu ngày càng lớn. Để tập hợp dân chúng, Nguyễn Hữu Cầu làm lễ tế cờ, tự xưng là Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng Quân (nghĩa là vị tướng bảo vệ nhân dân), còn nhân dân tôn danh là quận He.

Nguyễn Hữu Cầu xây dựng lực lượng, tổ chức đóng chiến thuyền, rèn đúc vũ khí nên chỉ trong thời gian ngắn đã làm chủ một vùng rộng lớn (Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay).

Tháng 5/1744, chúa Trịnh sai Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng hợp sức vây Đồ Sơn; Nguyễn Hữu Cầu chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu và sơ hở, bí mật phá vây, rút quân về đánh chiếm Thọ Xương (khúc sông Thương thuộc Bắc Giang), chiếm trấn lị Thị Cầu. Trấn thủ Trần Đình Cẩm và Đốc đồng Vũ Phương Đề bỏ ấn tín mà chạy. Trận đánh gây chấn động cả Kinh thành Thăng Long.

Khi Trịnh Doanh tập trung 5 đạo quân với 10 đại tướng, 64 liệt hiệu và hàng vạn quân tấn công, Nguyễn Hữu Cầu thấy không thể cùng lúc đối phó với tất cả mà chọn đạo quân mạnh nhất của Trương Khuông, tổ chức trận đánh ở làng Ngọc Lâm (thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), nơi có địa hình hiểm trở, đặt mai phục.

Vẫn bằng lối đánh nghi binh, dẫn dụ, Nguyễn Hữu Cầu thống lĩnh quân khởi nghĩa đánh tan quân Trương Khuông; bốn đạo quân còn lại, không đánh mà tự vỡ.

Năm 1745, Trịnh Doanh lại sai Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đem binh đánh bại Nguyễn Hữu Cầu ở Xương Giang (Bắc Giang), buộc Cầu phải rút về vùng duyên hải Đông Bắc, đóng quân tại Hạc Động (giáp giới Hải Phòng và Quảng Ninh).

(còn nữa)

      Nguyễn Trung Thành

BẢN DESKTOP