Khám phá

Nguyễn Cư Trinh – người mở cõi đất An Giang – Kỳ 3: Dùng tâm công để bình thiên hạ

Dùng tâm công để bình thiên hạ là quan điểm an dân của Nguyễn Cư Trinh.

An Giang trong bản đồ Nam kỳ Lục tỉnh.

Bước đầu đặt nền hành chính và ổn định vùng đất mới

Sau khi đồng ý thu nhận hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) từ Chân Lạp, Nguyễn Cư Trinh được chúa Nguyễn chỉ dụ: “Ủy thần xem xét hình thế, đặt lũy, đóng dinh, cấp điền sản cho quân, dân, vạch rõ địa giới, cho lệ thuộc châu Định Viễn để thu lấy toàn bộ vùng đất ấy”.

Để quản lý vùng đất mới theo chỉ dụ của nhà chúa, Nguyễn Cư Trinh xin võ vương cho thành lập tại đây ba đạo và nhập vào dinh Long Hồ.

Nguyễn Cư Trinh tâu với chúa Nguyễn “xin dời dinh Long Hồ đến xứ Tầm Bào (nay là tỉnh lỵ Vĩnh Long). Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp.

Bấy giờ Nặc Tôn lại cắt 5 phủ Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Thiên Tứ hiến cho triều đình, chúa cho nhập 5 đạo ấy vào quản hạt Hà Tiên.

Thiên Tứ xin đặt Giá Kê làm đạo Kiên Giang, Cà Mâu làm đạo Long Xuyên, đều đặt quan lại chiêu dân cư, lập thôn ấp, làm cho địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng”.

Với quan điểm an dân là cốt lõi, Nguyễn Cư Trinh đã từng tấu lên chúa Nguyễn: “Dân là gốc của nước, gốc không bền thì nước không yên, nếu ngày thường không gia ân để buộc lòng dân thì khi có việc xảy ra, còn mong chờ vào đâu…” và ông chủ trương dùng tâm công để bình thiên hạ.

Thứ nhất tâm công, thứ hai công lương, thứ ba công đồn, thượng sách là dùng tâm, hạ sách mới dùng binh đao để bình thiên hạ.

An sinh vùng đất mới

Năm Đinh Sửu (1757), sau khi tiếp nhận Tầm Phong Long và đặt nền hành chính cai quản nơi đây, Nguyễn Cư Trinh cũng đã bố trí cho người Côn Man đến trấn thủ.

Theo biên niên sử An Giang chép thì vào năm Ất Mùi (1775) đưa một số người Chăm từ Chân Lạp về định cư ở núi Bà Đen (Tây Ninh), Hồng Ngự, Chân Giang.

Sau khi hoàn thành việc xác lập nền hành chính mới, đồng thời để tạo điều kiện cho lưu dân người Việt đến sinh sống, khai hoang, phục hóa, Nguyễn Cư Trinh đã thực hiện việc tổ chức an sinh vùng đất mới này.

Lúc đầu mới tiếp nhận vùng đất này, những vùng dọc biên giới là nơi cư trú của người Khmer bản địa, còn vị trí dọc các bờ sông Tiền và sông Hậu chỉ có vài thôn xóm nhỏ lẻ của người Việt, chủ yếu là gia đình các binh lính ở đây.

Về sau, khi việc quản lý trật tự và ổn định về mặt hành chính được vững vàng, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, lưu dân người Việt đến sinh cơ lập nghiệp càng ngày càng đông đúc thông qua chính sách khẩn hoang lập ấp của triều đình.

Đánh giá về tài năng, công lao, đức độ của Nguyễn Cư Trinh, Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Cư Trinh là người có cơ trí mưu lược, giỏi quyết đoán, phàm có kiến nghị tâu bày đều là nói ngay bàn thẳng.

Trong khi tham dự việc công ở miền Nam, 11 năm mở mang đất đai, giữ yên biên giới, công lao danh vọng rõ ràng. Lại giỏi văn chương hay ngâm vịnh, khi ở Gia Định, cùng với Tổng lĩnh Hà Tiên Mạc Thiên Tứ thường lấy thơ văn tặng nhau. Có tập “Hà Tiên thập vịnh” lưu hành.

Lại làm bài “Sãi vãi” vấn đáp, tôn sùng chính học, bài bác mê hoặc, dùng lối văn biền ngẫu quốc âm, người đời truyền tụng. Khi chết tặng Tả lý công thần chính tự thượng khanh, thụy là Văn Định. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) phong Tân Minh hầu, được tòng tự ở Thái Miếu”.

Tuấn Đạt

BẢN DESKTOP