Khám phá

Nguy hiểm từ trào lưu tiêm trắng da

Vì mong muốn có làn da đẹp, trắng sáng, nhiều chị em chọn cách tiêm huyết thanh trắng da vào tĩnh mạch. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, giải pháp này làm cho da dễ bị đen sạm hơn, lão hóa nhanh hơn, bắt nắng nhiều hơn, và có thể phải đối mặt với ung thư da.

Làm đẹp nhiều rủi ro

Đọc thông tin trên mạng quảng cáo về phương pháp tiêm làm trắng da, PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng thí nghiệm Vật lý, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội lo lắng chia sẻ với KH&ĐS: “Chị em nào cũng muốn có làn da trắng đẹp, nhưng làm trắng như thế nào an toàn cho sức khỏe, không phải chịu những hậu quả xấu về sau này thì dường như còn ít người biết được.

Tôi thấy nhiều chị em rủ nhau đi tiêm làm trắng da mà hốt hoảng. Đây là cách làm đẹp nhiều rủi ro, chị em phải chịu rất nhiều hệ lụy, thậm chí phải mất rất nhiều tiền mới mong muốn có làn da đẹp như lúc chưa tiêm làm trắng”.

Theo quảng cáo tại các cơ sở làm đẹp, mỗi liệu trình tiêm trắng da dao động từ 10 đến 100 triệu đồng. Các sản phẩm tiêm, truyền trắng hầu hết được nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Thụy Sỹ… qua đường xách tay về Việt Nam với mức giá từ dưới chục triệu đồng đến trăm triệu đồng và được quảng cáo sẽ thay đổi làn da ngay từ mũi tiêm đầu tiên. Giá giao động cho mỗi dịch vụ tiêm hay truyền trắng phụ thuộc vào xuất xứ của thuốc, có dịch vụ trọn gói lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng có dói chỉ trên dưới 10 triệu đồng.

PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, đây là hình thức làm đẹp chứa ẩn nhiều rủi ro bởi hiện chưa có loại thuốc nào được Bộ Y tế cho phép sử dụng để tiêm làm trắng da. Sử dụng glutathione, vitamin C… có thể làm da trắng hơn vì các hoạt chất này can thiệp vào quá trình tạo sắc tố da. Nhưng màu sắc da do yếu tố di truyền quyết định, nên những biện pháp như bôi thuốc, tắm trắng, hay thậm chí tiêm thuốc nếu có tác dụng chỉ mang tính tạm thời.

Cho dù sử dụng bất cứ biện pháp làm trắng da nào, dù cấp tốc hay spa bài bản, dù nguyên liệu đắt hay rẻ, an toàn hay không thì kết quả cuối cùng lại phụ thuộc vào biện pháp chống nắng. Nếu không chống nắng thì kết quả lại trở về trạng thái ban đầu, thậm chí da có thể bị thâm hơn, và nguy hại nhất là da bị lão hóa nhanh hơn, dễ bị bệnh hơn khi hàng rào bảo vệ melanin không còn.

Muốn da trắng, phải chống nắng

Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, làm trắng theo cách loại bỏ hàng rào bảo vệ melanin thì cái giá phải trả không phải là nhỏ. Đó là là sự nhăn nheo chảy xệ, mụn nhọt, nguy cơ bị nhiễm bệnh qua da, ung thư và nhiều tác hại khác. Thêm vào đó sản sinh melanin là hoạt động sinh lý tự nhiên nên mọi kết quả làm trắng bằng phương pháp nào cũng chỉ có tính tạm thời.

Da sẽ sớm sạm trở lại thậm chí còn tệ hơn nếu không được áp dụng các biện pháp chống nắng. Như vậy làm giảm melanin bằng cách loại bỏ tác nhân tạo ra nó sẽ là biện pháp làm trắng da an toàn và phù hợp hơn về mặt sinh lý so với biện pháp dùng hóa chất tác dụng đến melanin.

“Khi không có tia UV, cơ thể không cần sản sinh ra melanin, da sẽ tự nhiên trắng dần. Đồng thời các tác hại khác liên quan đến tia tử ngoại cũng không còn nữa. Nên làm trắng da bằng kem chống nắng an toàn hơn phương pháp dùng kem dưỡng trắng loại bỏ melanin.

Vậy chống nắng là biện pháp làm trắng da cơ bản và an toàn nhất. Còn những biện pháp sử dụng hóa chất, thuốc, chỉ đóng vai trò hỗ trợ đẩy nhanh quá trình trắng da mà thôi. Đẹp phải an toàn. Không an toàn thì vừa hết đẹp vừa hết tiền để được như xưa”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.

Sản sinh melanin là hoạt động sinh lý tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại ảnh hưởng tiêu cực của các tia UV có trong ánh sáng mặt trời. Ai cũng biết, trên cơ thể con người, những vùng được che chắn bởi quần áo thì da sáng màu. Cư dân ở các vùng ít ánh nắng như ở Âu Châu thì da trắng, vùng nhiều ánh nắng như gần xích đạo thì da sậm, đen… Do đó, để làm trắng thì cách an toàn nhất là chống nắng, giữ da không bị đen sạm bởi ánh nắng Mặt trời.

“Có thể đẩy nhanh quá trình cải thiện màu da bằng chế dộ dinh dưỡng hợp lý, giàu vitamin và chất chống oxy hóa…”, PGS.TS Phạm Văn Nho.

Bảo Khánh

Từ Khoá

BẢN DESKTOP