Khoa học & Công nghệ

Nguy hiểm tiềm ẩn khi ăn nhộng ve sầu

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Đầu hè, nhộng ve sầu hay còn gọi là ve sầu non được rao bán rầm rộ trên các chợ mạng, với giá từ 350.000 – 500.000đ/kg. Tuy nhiên, món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe.

Độc nếu nhiễm nấm ký sinh

Nhộng ve sầu trở thành đặc sản khi gần đây nhiều tài khoản facebook liên tục rao bán. Theo chị Đinh Thị Son (Vân Hồ, Sơn La) thì nhộng ve có nhiều loại, nhưng ngon và đắt nhất là nhộng cánh tơ, còn non và chưa mọc cánh. Ve sầu thường lột xác trong đêm nên phải đi bắt từ tối hôm trước. Đôi khi, đi cả buổi, 3 - 4 người mới bắt được 1 - 2kg ve. Nhộng ve sau đó sẽ được sơ chế, ngâm nước muối pha loãng để ve nhả hết nhựa cây sau đó đóng gói, hút chân không và đưa ra thị trường. Ve sầu không có quanh năm mà chỉ xuất hiện từ đầu tháng 5 - 7.

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, ve sầu là họ côn trùng có đầu to, hai cánh trong nhiều vân với khoảng 2.500 loài trên thế giới. Ấu trùng ve thường sống trong đất với độ sâu khoảng 30cm - 2,5m và chiếm phần lớn cuộc đời của chúng. Còn thời gian sống của ve sầu trưởng thành rất ngắn, chỉ khoảng 40 - 60 ngày. Quá trình sinh trưởng của ve sầu đều chôn vùi trong đất. Vì vậy, ve sầu có vi sinh vật ký sinh và đây là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm do ve sầu mang lại.

Hiện đang thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho ve sầu lột xác và trưởng thành. Ve sầu non là món ăn dân dã, ngon, lạ miệng, rất được ưa thích. Vì thế, nhiều người đã tự bắt ve về chiên xào để ăn trong bữa cơm hoặc lai rai với rượu, bia. Từ nhu cầu đó, việc bắt, mua bán ve sầu nhiều năm trở lại đây trở nên phổ biến. Nhộng ve sầu không có độc tố gây chết người nhưng lại dễ bị các loại nấm ký sinh trên cơ thể do sống sâu trong lòng đất lâu ngày. Đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng nhộng ve làm món ăn.

Chưa có nghiên cứu khoa học về tác dụng của nhộng ve

GS Bùi Công Hiển cho biết thêm, ve sầu là nguồn cung cấp protein tuyệt vời cho con người. Hàm lượng protein trong ve sầu cao gấp 3,5 lần so với thịt bò và gấp 6 lần so với cá chép. Tin đồn ve sầu có công dụng như một vị thuốc bổ, chữa được nhiều bệnh, đem lại sức khỏe cường tráng cho phái mạnh đang rộ lên đã khiến người dân nhiều nơi tìm kiếm để làm thức ăn, rao bán. Tuy nhiên, chuyện ăn nhộng ve sầu tốt cho sức khỏe chưa có cơ quan nào kiểm chứng, nhưng đã có nhiều người phải nhập viện, thậm chí tử vong xảy ra hằng năm.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính, chuyên gia về nấm, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, do nhộng ve sống khá lâu trong môi trường trước khi lột xác và trưởng thành ngoi lên khỏi mặt đất nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh trên cơ thể. Loài nấm tên khoa học Gyrommitrin thường ký sinh trên thân ve sầu có độc tố rất cao, cấu trúc của nó tương tự cấu trúc của một loài nấm độc. Độc tố của nó không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao, dù được nấu kỹ và lâu. Nếu bắt phải ổ nhộng ve sầu chưa lột xác và trên cơ thể chúng có sẵn loài nấm ký sinh này thì khi ăn phải, hậu quả sẽ khó lường.

Những ấu trùng ve bị nấm ký sinh thường có hình dáng khác thường: đầu nhỏ, phần về cuối đuôi hơi phình ra. Nếu ăn phải loại này chắc chắn bị ngộ độc, tùy vào lượng ăn và độc tố của nấm có trên thân thể con nhộng mà mức nặng nhẹ khác nhau, có trường hợp chỉ ăn 1 con cũng bị ngộ độc. Ngộ độc cấp tính xảy ra với các biểu hiện, như nôn, ói, co giật, hôn mê sâu và tăng nặng khi uống kèm với rượu, bia. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu không cấp cứu kịp thời và điều trị đặc biệt.

Theo GS Bùi Công Hiển, người dân không nên sử dụng nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn, tránh xảy ra ngộ độc. Hiện có nhiều loại nhộng như nhộng bọ cạp, đuông dừa, dế, ve... có thể dùng làm thức ăn và có giá trị dinh dưỡng cao nhưng rủi ro ngộ độc rất lớn.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP