Y học và đời sống

Nguy hiểm khó lường của phương pháp sinh con “thuận theo tự nhiên”

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Phương pháp sinh con thuận tự nhiên đang được một bộ phận các mẹ bầu cổ xúy và thực hiện theo. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn khi áp dụng phương pháp sinh này không phải mẹ bầu nào cũng biết.

Sinh con là một quá trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đòi hỏi sự theo dõi và hỗ trợ y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà thường thiếu vắng các chuyên gia y tế có kinh nghiệm và trang thiết bị y tế đầy đủ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.

Nguy hiểm khó lường của phương pháp sinh con “thuận theo tự nhiên”. Ảnh minh họa

Nguy hiểm khó lường của phương pháp sinh con “thuận theo tự nhiên”. Ảnh minh họa

Những bi kịch sinh con "thuận tự nhiên"

Mới đây nhất, một tài khoản mạng xã hội chia sẻ quá trình sinh con "thuận tự nhiên" tại nhà với hình ảnh em bé tím tái, không cắt dây rốn, còn người mẹ ngâm mình trong chậu nước lớn. Bài viết nhận được hàng trăm nghìn lượt quan tâm, chia sẻ và bình luận trái chiều. Đa số mọi người bày tỏ sợ hãi, lo lắng cho sức khỏe của hai mẹ con. Trong khi số khác cho rằng đây là phương pháp tổ tiên từng áp dụng, nhiều người sinh thành công.

Chủ tài khoản N.M. còn khẳng định, 2 mẹ con nêu trên đều không sử dụng sữa công thức lẫn vaccine, đồng thời bày tỏ mơ ước "tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên khi chưa xuất hiện bệnh viện", để kêu gọi các thai phụ cùng thực hiện.

Bài viết tạo nên nhiều ý kiến tranh luận dữ dội, hầu hết đều lo ngại cho sức khỏe của mẹ và nhất là em bé, khi người lớn chủ động từ chối các can thiệp sản khoa hiện đại để "thuận tự nhiên".

Trước đây, có không ít các trường hợp phải đi cấp cứu, tính mạng bị đe dọa vì lâm bồn mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Vào năm 2019, một bé gái con chị T.N.Y.N. (ngụ Q.11, TP.HCM) được ba mẹ và bà nội đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn và bánh nhau đều đã bị khô. Người nhà bé kể lại bé ra đời tại nhà nặng 3,1kg. Ngày trước, bà nội bé cũng sinh ba bé ở nhà, nên giờ gia đình cũng để bé sinh tại nhà. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hồi sức tích cực cho bé trong suốt 30 phút, nhưng tim cháu vẫn không thể đập được lại.

Cách đây vài năm, một sản phụ 34 tuổi ở tỉnh Hưng Yên cũng chủ động sinh con tại nhà nhưng sau đó phải nhập viện cấp cứu do vỡ tử cung, mất máu nhiều. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu, lấy ra gần 2 lít máu loãng và máu cục, đồng thời phải cắt tử cung để cứu sống sản phụ. May là trong vụ việc này, bé sơ sinh được cấp cứu kịp thời nên vẫn an toàn.

Hiện chưa có thống kê chính xác về số ca sinh "thuận tự nhiên" tại Việt Nam, nhưng các bệnh viện trên cả nước đã ghi nhận nhiều mẹ con sản phụ nhập viện nguy kịch sau khi áp dụng phương pháp này.

Sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà gây nguy hiểm cho mẹ

Theo các bác sĩ, ngay từ khi mang thai, thai phụ cần được đến các cơ sở y tế chăm sóc, theo dõi về sức khỏe và thai nhi. Việc này giúp thai phụ được chuẩn bị tốt trước khi sinh, nhân viên y tế có thể khuyến cáo nên để trở dạ tự nhiên hay mổ khi sinh. Sinh con theo tự nhiên về ý nghĩa y khoa hướng người phụ nữ mang thai để chuyển dạ tự nhiên sinh con theo ngã âm đạo nhưng khi cần thiết phải có biện pháp can thiệp y khoa. Sinh con tự nhiên rất được khuyến khích nhưng không phải theo cách sinh “thuận theo tự nhiên” để người mẹ tự sinh một mình không được kiểm soát như những thông tin lan truyền trên mạng.

Vỡ tử cung

Vỡ tử cung là một biến chứng sản khoa nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình sinh nở, đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Khi sinh con tại nhà, sản phụ không được theo dõi sức khỏe liên tục, do đó khó có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường dẫn đến vỡ tử cung.

Sản giật và tiền sản giật

Sản giật có thể gây ra các triệu chứng như cao huyết áp, đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực, co giật và thậm chí tử vong. Trong khi đó, tiền sản giật là giai đoạn đầu của sản giật và nếu không được điều trị, có thể tiến triển thành sản giật.

Các biến chứng này thực sự nguy hiểm và khó kiểm soát trong môi trường sinh nở tại nhà. Đây là lý do tại sao các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai nên sinh con tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ trang thiết bị và nhân lực để xử lý các tình huống khẩn cấp.

Rách âm đạo

Rách âm đạo có thể xảy ra trong quá trình sinh thường, đặc biệt là ở phụ nữ sinh con lần đầu. Khi em bé đi qua âm đạo, có thể gây ra các vết rách ở thành âm đạo do kéo giãn quá mức.

Nếu không được khâu đúng cách, rách âm đạo có thể dẫn đến nhiễm trùng và ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà với một môi trường không được đảm bảo vô trùng như bệnh viện.

Băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là tình trạng chảy máu âm đạo nghiêm trọng sau khi sinh con. Sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ y tế kịp thời có thể dẫn đến băng huyết không kiểm soát, đe dọa tính mạng của người mẹ.

Nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng rốn

Nhiễm trùng rốn là một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi tự sinh con tại nhà. Nhiễm trùng rốn có thể do vi khuẩn xâm nhập vào cuống rốn của bé sau khi sinh. Biến chứng này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Suy thai

Trên thực tế, những trường hợp sinh con tại nhà thành công với sự hỗ trợ của đội ngũ bác sĩ, y tế thường do đã đảm bảo mẹ bầu và thai nhi không có bất kì bất thường nào trong quá trình thăm khám thai trước đó.

Việc sinh con tại nhà trong khi mẹ bầu hoặc thai nhi đang gặp phải những biến chứng thai sản như ngôi ngược, tràng hoa quấn cổ, em bé quá to… có thể khiến việc sinh nở trở nên khó khăn, dẫn đến hiện tượng suy thai.

Suy hô hấp

Suy hô hấp là tình trạng trẻ sơ sinh không thể thở đủ oxy cho cơ thể. Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh. Suy hô hấp có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm thiếu oxy trong quá trình sinh, hít phải phân su hoặc nước ối, nhiễm trùng hoặc bệnh lý bẩm sinh.

Khi sinh con “thuận tự nhiên tại nhà”, thường không có sẵn các trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết để hỗ trợ hô hấp cho trẻ sơ sinh bị suy hô hấp và cũng không nhân lực y tế có chuyên môn và kinh nghiệm để điều trị biến chứng này. Việc tiếp cận với dịch vụ y tế khẩn cấp có thể gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP