Khoa học & Công nghệ

Nguy hại từ đũa inox

Sử dụng đũa inox để xào nấu, các kim loại có thể hòa tan vào thức ăn, đi vào cơ thể, gây nên nhiễm độc kim loại cho người sử dụng. Tích tụ lâu dài, chất độc sẽ khó có thể bị đào thải, gây nên những bệnh nguy hiểm.

Hại khó lường

Chị Lê Kim Oanh (Cổ Nhuế – Hà Nội) cho biết, nghe bạn bè giới thiệu dùng đũa inox sạch, không bị mốc, dễ rửa nên chị mua chục đôi về thay thế toàn bộ đũa gỗ trong nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, chị thấy các đầu đũa mòn vẹt không đều nhau, có những chiếc bị mòn đến vài cm.

Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, chị phải bỏ toàn bộ số đũa này và trở lại dùng đũa gỗ. Chị băn khoăn không biết kim loại bị mòn vì sử dụng để ăn, hay đũa bị mòn vì chị hay sử dụng để xào nấu thức ăn. Việc đũa mòn vẹt như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, người ta cứ gọi là đũa inox nhưng thực tế nó là thép kim loại và một số kim loại khác được pha trộn. Ở nhiệt độ cao, trong môi trường dầu mỡ, các kim loại này sẽ bị tan chảy.

Dưới dự tác động của các axit trong thức ăn, chiếc đũa sẽ mòn đi. Phần kim loại bị tan chảy này sẽ hòa tan vào thức ăn dưới dạng hóa học hoặc cơ học. Mỗi lần xào nấu, lượng kim loại bị mòn đi là rất ít, không thể phát hiện bằng mắt thường. Nhưng sau một thời gian sử dụng sẽ thấy rõ phần kim loại bị ăn mòn này.

“Sẽ là nguy hại khôn lường nếu phần kim loại này đi vào cơ thể. Cơ thể con người không có khả năng hấp thụ và đào thải kim loại. Sử dụng đũa inox để xào nấu thức ăn, về lâu dài cơ thể sẽ tích tụ gây nên các loại bệnh như cao huyết áp, gan, xơ gan, đột quỵ, ung thư, viêm gan, bệnh tiểu đường và các bệnh khác ở các cơ quan nội tạng là do nhiễm độc gây nên”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết.

Tốt nhất là đũa tre

Cũng theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, ngoài đũa inox, dùng đũa nhựa để chiên xào trong môi trường nóng cũng sẽ khiến đũa bị biến dạng và sinh ra các chất bột nhựa có hại cho sức khoẻ. Để tránh nguy cơ nhiễm độc, nên hạn chế dùng đũa làm từ các hoá chất vì khó kiểm soát sự an toàn trong quá trình sử dụng.

Tốt nhất nên chọn đũa gỗ tự nhiên như gỗ tre già, dừa già hay gỗ mun được vót trơn láng, đầu đũa không bị tưa, không có khe lõm. Sau khi dùng, rửa đũa sạch và cất nơi khô ráo. Trước đây ông bà ta thường chỉ sử dụng đũa tre, nhưng giờ tre hiếm hơn thì có thể sử dụng các loại đũa gỗ có nguồn gốc tự nhiên, không chất hóa học.

Dù đũa chưa có biểu hiện bất thường cũng chỉ nên sử dụng trong 6 – 12 tháng rồi thay mới. Đặc biệt, không sử dụng đũa inox để xào nấu thức ăn.

TS Trần Mạnh Thắng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, chưa thể kiểm soát được thành phần của các kim loại có trong đũa inox hiện nay, trường hợp sử dụng đũa mà bị mòn vẹt như vậy rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Nhiều kim loại có thể tan trong nước hoặc bị nóng chảy ở nhiệt độ cao, nếu là các chất độc hại như chì, kẽm thì rất khó đào thải. Nguy hại nhất là những loại đũa mạ inox, chỉ sau vài lần sử dụng là xỉn màu, không còn bóng hay trơn láng. Tốt nhất là sử dụng đũa tre, đũa gỗ tự nhiên, không sơn, không ướp các hóa chất…

Theo các chuyên gia, hàng tuần nên luộc đũa trong nước sôi khoảng nửa giờ, phơi khô rồi mới sử dụng, như vậy mới có thể sạch khuẩn, loại bỏ vi khuẩn trong đũa một cách hiệu quả. Khi rửa đũa, không chọn các chất tẩy rửa có độ axit và kiềm mạnh để tránh lưu lại hóa chất gây hại cho cơ thể.

Nếu muốn sử dụng đũa inox thì nên làm sạch bằng nước ấm hoặc các chất tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên để kim loại không bị biến chất.

Theo các chuyên gia, trên đũa có vết mốc thì phải xử lý để tránh tình trạng vi khuẩn trú ngụ. Đũa ẩm là do thấm nước quá lâu, đã quá thời gian sử dụng. Nếu đũa có mùi ẩm mốc thì nên thay đũa mới. Nếu trên đũa tre hoặc đũa gỗ có xuất hiện các chấm đen, chứng tỏ đũa đã bị nhiễm khuẩn, không còn dùng được nữa.

Bảo Khánh

Từ Khoá

BẢN DESKTOP