Khám phá

Nguy hại khi dùng gừng sai cách

Từ xa xưa, trong dân gian, củ gừng đã không chỉ dùng trong ẩm thực mà còn mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ, có tác dụng chữa bệnh. Mặc dù vậy, nếu dùng gừng sai cách, người dùng có thể lại rước thêm nhiều vấn đề phiền toái cho sức khoẻ…

Sử dụng gừng sai cách có thể rước họa vào thân.

Cẩn trọng với tính ấm 

Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y  Việt Nam cho biết, theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, có thể sử dụng làm nhiều vị thuốc khác nhau, như sinh khương (gừng tươi), bào khương (vỏ củ gừng), can khương (gừng khô). Gừng có nhiều tác dụng, đặc biệt là chữa các chứng bệnh do hàn bởi gừng có tính ấm. Ngoài ra, gừng còn rất hữu ích trong việc điều trị các chứng bệnh như chỉ khái (trị ho), giải cảm hàn, đầy hơi, trướng bụng, tăng cường tuần hoàn huyết dịch bằng cách xoa bóp với rượu gừng hoặc ngâm chân nước gừng nóng…

Tuy nhiên, khi sử dụng gừng hay bất kỳ vị thuốc nào cần nhớ một nguyên tắc trong Đông y đó là: “Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”. Nghĩa là hàn gặp hàn tất sẽ dẫn đến tử vong, nhiệt gặp nhiệt tất sẽ dẫn đến phát cuồng điên.

Cụ thể, người có cơ địa thể hàn hoặc đang mắc các bệnh hàn thì tuyệt đối không dùng các vị thuốc có tính hàn, ví dụ như đau bụng do cảm hàn thì tuyệt đối không dùng sâm. Người có cơ địa mang tính nhiệt hoặc khi mắc các chứng bệnh nhiệt nóng thì không dùng các vị thuốc có tính nhiệt. Ví dụ như khi bị cảm lạnh uống nước gừng sẽ rất hiệu quả; trái lại đối với những trường hợp cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng tuyệt đối không cho dùng gừng.

Chống chỉ định với người cao huyết áp

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế khuyến cáo, đối với những người có huyết áp thấp, khi bị tụt huyết áp thì uống nước gừng là tốt, nhưng đối với người có huyết áp cao thì không thể uống nước gừng vì bất cứ lý do gì, đặc biệt là uống nước gừng vào đúng thời điểm đang lên cơn huyết áp cao.

Lúc ấy nước gừng sẽ như chất kích thích làm cho huyết áp tăng cao, từ đó có thể gây vỡ động mạch dẫn đến tai biến… Thậm chí với người bệnh đột quỵ hoặc có cơn cao huyết áp mà uống nước gừng nóng thì rất nguy hiểm đến tính mạng, bởi nước gừng nóng có thể gây giãn mạch, đứt mạch máu ở người huyết áp cao.

Không nên ăn gừng trong thời gian dài, nhất là những người có chứng âm hư hỏa vượng, nhiệt trong, mắc các bệnh mụn nhọt, viêm phổi, hạch phổi, viêm dạ dày, viêm gan, viêm thận, bệnh tiểu đường… Ăn nhiều gừng sẽ gây ra chứng ợ nóng, đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn.

Không ăn gừng tươi đã bị dập nát, bởi khi củ gừng tươi bị dập sẽ sinh ra một loại độc tố mạnh có khả năng sinh ung thư.

Không nên ăn gừng gọt vỏ, bởi vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Vì vậy, khi ăn gừng nên rửa sạch cả vỏ để dùng theo mục đích.

Lương y Nguyễn Văn Sử

Lương y Nguyễn Văn Sử cũng đưa ra lời khuyên mọi người hết sức thận trọng khi sử dụng nước gừng nóng, nhất là với cách làm dân gian dùng gừng tươi đập dập và hãm nước nóng để uống. Cần phải xác định rõ là người bệnh mắc cảm phong hàn chứ không phải cảm nóng, không sốt, không trong cơn cao huyết áp hay đột qụy vì lạnh… thì mới dùng nước gừng nóng để giải cảm.

Ăn gừng buổi tối nhiều tác hại

Sử dụng gừng, bao gồm cả việc ăn gừng hay uống nước gừng cần đúng thời điểm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo về thời điểm sử dụng gừng, bao gồm cả việc ăn gừng hay uống nước gừng. Theo đó, ăn gừng vào buổi sáng rất tốt, thậm chí người xưa còn có câu: “Sáng sớm ăn gừng tốt hơn cả uống nước sâm”; trong khi đó ăn gừng vào buổi tối lại đặc biệt có hại. Lý do là vì trong gừng có chứa tinh dầu dễ bay hơi, có thể làm tăng tuần hoàn máu; đồng thời có chứa gingerose, có tác dụng kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa.

Vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên. Còn khi đêm muộn, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng có tính dương, nóng, sẽ vi phạm quy luật sinh lí tự nhiên của con người, gây bất lợi cho cơ thể.

Ngoài ra, trong các sách y học cổ cũng từng cảnh báo mùa thu không nên ăn gừng. Là vì mùa thu thời tiết khô ráo, bản thân không khí khô đã có thể gây tổn thương phế, nếu cộng thêm việc ăn gừng cay nóng vào, lại càng dễ làm tổn thương phổi hơn, gây gia tăng sự mất nước, khô khan trong cơ thể.

Đức Anh

BẢN DESKTOP