Dữ liệu y khoa

Nguy cơ dẫn đến nghe kém

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Không chỉ người cao tuổi mà người trẻ tuổi, thậm chí trẻ em cũng có thể xuất hiện nguy cơ sức nghe kém và sức nghe kém không còn là thước đo đối với lão hóa ở người cao tuổi nữa.

Nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng khả năng nghe

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cho biết, ở các nước tiên tiến, trẻ sinh ra được tầm soát thính lực nhằm can thiệp sớm. Đặc biệt, người ta chú trọng nhiều vào nhóm có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao như trẻ nhẹ ký, sinh non hoặc có những dị tật bẩm sinh khác.

Ở Việt Nam chưa chú trọng nhiều vào việc tầm soát thính lực, chỉ đến khi trẻ lớn không nghe được, không nói được, cha mẹ mới đưa đi khám thì đã muộn. Bên cạnh trẻ có sức nghe kém, điếc bẩm sinh, còn một bộ phận người lớn có bệnh lý ở tai gây giảm sức nghe. Các nguyên nhân nghe kém ở người lớn thường do nút ráy tai, dị vật trong ống tai, chấn thương ở tai hoặc chấn thương sọ não, các bệnh lý viêm nhiễm ở tai, thủng màng nhĩ, các khối u tai ngoài, tai giữa hoặc tai trong; sử dụng các thuốc có độc tính cho tai (ví dụ kháng sinh nhóm aminosid như gentamycin, streptomycin; hóa chất điều trị ung thư như cisplatin…). Tất cả các trường hợp nghe kém người lớn hay trẻ em đều cần được phát hiện sớm bằng đo thính lực, từ đó giúp bác sĩ có chỉ định mổ, điều trị viêm nhiễm để phục hồi sớm sức nghe của tai.

Khoa học phát triển, nhiều bệnh viện tuyến trung ương hay thành phố đã trang bị các máy đo thính lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, không gây dội âm giúp có kết quả đo chính xác và giúp bệnh nhân phân biệt các loại âm thanh rõ hơn. Phát hiện sớm nghe kém, đối với các trường hợp nhẹ chỉ cần điều trị bằng thuốc bổ, thuốc Nam, đối với trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật kết hợp dùng thuốc.

Muốn giữ được sức nghe cần làm gì?

BS Lê An, Phòng khám Giải Phóng, Hà Nội cho biết, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn đã cải thiện được khả năng nghe một cách tự nhiên. Hệ thống thính giác liên tục hoạt động nên cần được cung cấp thường xuyên các chất dinh dưỡng và oxy. Tập thể dục là cách để cung cấp dinh dưỡng và oxy giúp cải thiện và máu bơm tốt hơn cho hệ thống thính giác. Nam giới nghe kém nếu có hút thuốc nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Hút thuốc lá dễ dẫn tới suy giảm tuần hoàn mạch máu, suy giảm thính giác.

Trẻ em và người lớn muốn cải thiện sức nghe nên chú trọng thực phẩm giàu chất béo omega-3 và vitamin D có trong cá hồi, cá ngừ, cá mòi rất tốt cho thính lực. Chất béo omega-3 giúp tăng cường các mạch máu trong hệ thống cảm nhận âm thanh của tai. Khi tai viêm nhiễm, ù, điếc, khi chưa có thuốc nhân dân thường sử dụng cây cối xay. Đây là dược liệu có tác dụng chống viêm rất mạnh, giúp giảm nhanh tình trạng viêm nhiễm ở tai. Trẻ em hay người lớn viêm tai có thể dùng cây cối xay đun với nước uống mỗi ngày. Người cao tuổi ù tai có thể kết hợp cây cối xay, vảy ốc, đan sâm, thục địa, câu kỷ tử sắc uống mỗi ngày.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP