Đời sống

Người xây lâu đài kiến thức

ng chỉ đường cho tôi, ngôi nhà nào nhiều cây thuốc nhất thì đó là nhà ông. Đúng thật, cây thuốc trồng trong chậu khắp nơi, cây leo xanh tốt rủ xuống ngay trước cửa… Với mỗi loại cây ông lại giới thiệu tên, cách trồng, thời gian ra hoa, công dụng làm thuốc… Với kiến thức sâu rộng như vậy, dường như mọi cây cối quanh ông đều là thuốc.

Dược sĩ Trần Xuân Thuyết

Bữa ăn thần tiên

Đến thăm, tôi được mời dùng bữa ăn thần tiên với ông. Đó là các món hoa quả ăn vào giữa buổi. Một ngày ông dùng 2 bữa như vậy, mỗi bữa ít nhất 3 thứ quả trở lên và tổng cộng không quá 500g, vì ăn nhiều quá có thể dẫn tới thừa kali. Ông duy trì ăn như vậy được 5 năm và thấy tốt cho sức khỏe, nhất là về tiêu hóa.

Ông chia sẻ, để giữ gìn sức khỏe, điều quan trọng nhất là phải biết chọn thức ăn và chế biến món ăn sao cho khoa học. Nếu không biết chế biến thì ngay cả những thực phẩm bổ dưỡng cũng có thể biến thành chất độc.

Ví dụ như việc dùng dầu ăn chẳng hạn. Hầu hết các loại dầu ăn hiện nay đều không thích hợp để rán vì ở nhiệt độ cao nó không chỉ phá hỏng các chất bổ mà còn sinh ra các chất độc hại. Sử dụng dầu ăn tốt nhất là để trộn rau củ quả vì sẽ giúp hấp thu carotenoid. Ông cũng đã viết bài phân tích kỹ về vấn đề này, nhưng đáng buồn là người ta vẫn sử dụng sai vì thói quen và cũng vì thiếu hiểu biết.

Ngay cả với những thứ tưởng như bỏ đi như phần vỏ trắng của quả dưa hấu lại rất tốt cho tim mạch vì có chứa axit amin citruline, nên có thể nạo ra để làm nộm… Những điều nho nhỏ như vậy thôi mà nhiều khi chúng ta lại vì không biết mà bỏ qua.

Coi người hỏi là thầy mình

80 tuổi, nhưng DS Trần Xuân Thuyết vẫn rất nhanh nhẹn, vẫn viết bài phổ biến kiến thức và đặc biệt ông còn có thẻ Nhà báo, là phó thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí cây thuốc quý. Ông vẫn làm việc trên máy tính. Nhưng dù có say mê đến đâu thì cứ khoảng 45 phút ông lại đứng lên làm việc khác như chăm sóc cây cảnh, luân phiên giữa lao động trí óc và chân tay, tránh ngồi một chỗ lâu.

Hàng ngày ông vẫn tập 45 động tác kết hợp giữa bài thở 4 thì của BS Nguyễn Khắc Viện, với xoa bóp của Cốc Đại Phong, dưỡng sinh của BS Nguyễn Văn Hưởng và thiền thành bài nâng cao Khí Lực. Bài tập này ông đã  đăng báo và phổ biến cho nhiều người tập theo. Có người còn tìm đến tận nhà nhờ ông hướng dẫn cặn kẽ.

Hơn 50 năm vừa làm công tác chuyên môn, ông vừa tham gia viết báo phổ biến kiến thức, đến nay ông đã nhận nhuận bút  hơn 1300 bài viết. Ông bảo, những kiến thức mình học được trong trường đại học chỉ là cái nền móng, còn trên đó người ta xây lâu đài hoành tráng hay dựng túp lều tranh là do mỗi người.

Ông may mắn được tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học Y Dược, được nghiên cứu về Lão khoa dưới sự hướng dẫn của GS Phạm Khuê từ năm 1980 và dược học lâm sàng nên phải học hỏi nhiều. Nhất là khi cộng tác với các báo, bạn đọc hỏi về một vấn đề nào đó là lại phải tìm tài liệu, cập nhật những thông tin khoa học mới. Không chỉ là những kiến thức về dược mà còn về công nghệ thực phẩm.

Ông luôn coi những người hỏi là thầy để mình phải trả lời cho chính xác. Tuy nhiên, còn một việc cần làm mà GS Phạm Song, nguyên bộ trưởng Y tế lúc sinh thời dặn ông: phải truyền dạy phương pháp “bế tinh để nâng cao chất lượng cuộc sống” cho cộng đồng  mà ông chưa thực hiện được. Vì người học không chịu tập luyện thường xuyên  bài Nâng cao Khí lực và ăn uống hợp lý.

Cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng, nhưng DS Trần Xuân Thuyết luôn tâm niệm, phải quên đi nỗi buồn để mà vui sống. Và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức cũng là để cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

Với ông, viết báo cũng là một cách để đưa những điều hiểu biết của mình, những kiến thức khoa học đến được với nhiều người. Một bài báo được nhiều người đọc, nhiều người quan tâm, chia sẻ trên mạng, được người ta gọi điện hỏi hoặc đến tận nhà để tìm hiểu kỹ hơn… với ông đó là thành công, là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất.

Bảo Anh

BẢN DESKTOP