Ngày 14/10, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cho biết đã điều trị thành công cho bệnh nhân bị trật khớp thái dương hàm sau ngáp to tại Phòng khám Hùng Vương - Kim Xuyên.
Bệnh nhân N.T. S 56 tuổi, cư trú tại khu vực Kim Xuyên, đã gặp phải một tình huống hi hữu khi chỉ đơn giản là... ngáp. Sau một cú ngáp to, cô đột ngột cảm thấy đau nhói ở vùng quai hàm và không thể ngậm miệng lại bình thường. Ngay sau đó, cô đã tới Phòng khám Hùng Vương - Kim Xuyên để được thăm khám.
Người phụ nữ trật khớp thái dương hàm sau... ngáp to - Ảnh minh hoạ |
Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa đã xác định cô bị trật khớp thái dương hàm hai bên, một tình trạng thường hiếm gặp nhưng có thể xảy ra khi vận động quá mạnh hoặc đột ngột ở vùng hàm.
Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện thủ thuật nắn trật khớp thái dương hàm. Chỉ sau vài phút, tình trạng của cô đã được cải thiện, hàm trở lại vị trí bình thường và có thể cử động mà không còn đau đớn.
PGS.TS Phạm Như Hải, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y Dược, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trật khớp thái dương hàm là tình trạng bệnh lý do sự di lệch kéo dài, không hồi phục một hay cả hai bên. Bệnh xuất hiện với tỷ lệ cao ở bệnh nhân loạn năng thái dương hàm.
Sau một vài vận động há miệng quá mức (ngáp, khi chữa răng kéo dài, khi đặt nội khí quản…) thì bệnh nhân không thể ngậm miệng lại được và thấy đau khớp, lồi cầu kẹt phía trước chỏm thái dương (lồi cầu thái dương) và không trở lại ổ khớp được, do co thắt cơ và do đĩa khớp chèn phía sau lồi cầu.
Đó là tình trạng giãn tổ chức đĩa khớp và dây chằng kết hợp với gia tăng biên độ vận động hàm dưới (thường là há miệng rộng quá mức bình thường...) gây đau cơ (thái dương hay sau ổ mắt), tiếng kêu khớp lớn khi há miệng (có thể kêu một hay hai tiếng), có triệu chứng của viêm bao hoạt dịch (bao khớp hay bao hoạt dịch sau đĩa khớp).
Ở giai đoạn tiến triển thì đĩa khớp có thể cản trở ngậm miệng, đòi hỏi nắn chỉnh thì bệnh nhân mới có thể ngậm miệng lại được. Giai đoạn tiến triển này thường thoáng qua và đôi khi bệnh nhân có thể tự nắn chỉnh lại được, nên còn được gọi là bán trật khớp. Sau đó giai đoạn này sẽ tiến triển tiếp sang giai đoạn trật khớp thật sự.
Nếu trật khớp đòi hỏi cần phải nắn chỉnh thì được gọi là trật khớp thật sự. Nếu nguyên nhân của trật khớp không được điều trị thì trật khớp dễ tái phát do sự giãn khớp.
Trong trật khớp thật sự thì sờ trước bình tai thấy ổ khớp rỗng. Với thủ thuật nắn chỉnh thông thường (thủ thuật Nelaton) đẩy hàm xuống dưới sau đó ra sau lên trên đưa vào đúng khớp thì bệnh nhân sẽ hết đau ngay lập tức.
Trong trường hợp trật khớp đến muộn thì cần phải tiêm tê khớp và hõm sigma xương hàm dưới để nắn chỉnh, đôi khi cần thì phải gây mê toàn thân. Sau đó phải băng cằm đầu trong một vài ngày để dự phòng tái phát.
Đôi khi giai đoạn tiến triển lại được đi tiếp theo bằng một giai đoạn há miệng hạn chế làm cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ lưu ý bệnh nhân sau khi được nắn trật khớp hàm sẽ cần phải tránh há miệng quá to, ăn thức ăn mềm khoảng 2 tuần để tránh tái phát sớm.