Trong nước

Người lao động thiệt thòi quá lớn khi rút BHXH một lần

  • Tác giả : Minh Châu
Mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí; số tiền nhận về rất thấp; khi về già người lao động không có lương hưu và mất nhiều quyền lợi an sinh xã hội khác... là những điều sẽ mất khi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 6/6, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi cho người đóng.

Hối hận vì rút BHXH 1 lần

Trong khi không ít người mong muốn được đóng BHXH để nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chăm sóc tuổi già, thì hiện nay, một số lao động trẻ lại đi rút BHXH một lần, tự mình đánh mất “của để dành” quý giá để sống an vui trong tương lai.
Ở tuổi 65, bà Nguyễn Thị Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội), không có lương hưu, không có trợ cấp, mọi khoản chi tiêu trông chờ vào tiền bán trà đá vỉa hè. Bà Loan từng có thời gian làm công nhân cho một công ty thực phẩm rồi chọn nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần). Khoản tiền mấy chục triệu nhận "một cục" thời đó được dùng sửa sang lại nhà cửa, mua chiếc xe đạp và sắm bàn ghế, đồ đạc mở quán trà đá vỉa hè. Đợt Covid-19, cả năm trời cấm bán hàng, khách cũng ít, thu nhập không có, bà Loan lại nhiều bệnh lặt vặt, ngày ngày sống trong lo lắng. Nhìn bạn bè, hàng xóm lĩnh lương hưu hằng tháng, bà Loan ước giá mình đừng lựa chọn về "một cục".
Cũng trong tình cảnh tương tự, bà Lê Thị Trang (thường trú tại Hà Đông, Hà Nội), 68 tuổi hiện ngày ngày vẫn phải ra chợ từ sáng sớm để bán rau. Được biết, để trả nợ cho con trai, bà Trang đã chấp nhận rút BHXH 1 lần hồi cuối năm 2022, và giờ vẫn tiếc nuối vì sau hàng chục năm lao đông lại không thể an hưởng tuổi già nhờ lương hưu như những người bạn đồng nghiệp.
Mất việc sau dịch COVID-19, kinh tế gia đình khó khăn khiến một số người lao đông (NLĐ) lựa chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống trước mắt. Số tiền rút BHXH một lần nhìn có vẻ cũng “có tấm, có món" nhưng thực chất chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và nhanh chóng cạn kiệt. Người lao động lại tiếp tục đối mặt với bài toán mưu sinh cho hàng chục năm trời trước mắt, khi tuổi già, ốm đau, bệnh tật đang sầm sập đến. Thực trạng này không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của NLĐ, còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hóa.
Rut BHXH mot lan: Thiet thoi qua lon cho nguoi lao dong
Do kinh tế khó khăn, không ít người lao động lựa chọn rút BHXH 1 lần
Theo ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng qua gần đây là do các chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn "khá thoáng", tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, trong khi tác động tiêu cực của dịch bệnh hơn hai năm qua khiến đời sống của người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Rút BHXH 1 lần, người lao động “mất” nhiều hơn “được”
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu, mất đi nhiều quyền lợi trọng yếu đảm bảo cuộc sống về già.
Đầu tiên, NLĐ không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Đặc biệt là khi mức lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế chứ không phải là mức lương hưu cố định khi có quyết định nghỉ hưu.
NLĐ mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người. Đặc biệt, mức hiểm bảo hiểm y tế dành cho người đang hưởng lương hưu được chi trả đến 95%, ưu việt hơn mức 80% của bảo hiểm y tế tự nguyện.
Bên cạnh đó, thân nhân của NLĐ không được hưởng chế độ tử tuất khi không may NLĐ qua đời. Nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Đồng thời, số tiền NLĐ nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ.
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần.
Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già và được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Rut BHXH mot lan: Thiet thoi qua lon cho nguoi lao dong-Hinh-2
Minh Châu

BẢN DESKTOP