Doanh nghiệp

“Người khổng lồ” Fujifilm tồn tại như thế nào?

Sự thay đổi quyết liệt và thích ứng nhanh với thị trường đã giúp Fujifilm – một trong những “người khổng lồ” thời ảnh phim tồn tại, thậm chí “sống khỏe” khi va phải kỷ nguyên ảnh kỹ thuật số.

Hãng Fujifilm vẫn duy trì lĩnh vực sản xuất phim máy ảnh vì cho rằng con người không thể sống thiếu văn hóa nhiếp ảnh.

Được thành lập năm 1934, Fujifilm trong nhiều thập niên là công ty sản xuất phim máy ảnh gần như độc quyền ở Nhật Bản. Khi làn sóng kỹ thuật số xuất hiện vào những năm 1980, Fujifilm dường như đón trước được sự thay đổi này nên đã cung cấp phim chụp X-quang bằng kỹ thuật số cho các bệnh viện áp dụng khoa học vào đời sống.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Shigetaka Komori cho biết, công ty dấn thân vào công nghệ số mặc dù thực tế điều này giống như “tự ăn vào những bộ phận sản xuất của chúng tôi”. Ông giải thích: “Nếu chúng tôi không làm điều đó, người khác sẽ làm. Đó là lý do tôi quyết định tham gia vào sân chơi kỹ thuật số”.

Năm 1988, công ty phát hành máy ảnh số đầu tiên trên thế giới: FUJIX DS-1P. Nó có thể lưu trữ 5-10 hình ảnh trên thẻ nhớ của mình và tự hào với độ phân giải 1,1 megapixel. Nhưng khi đó, chiếc máy ảnh trị giá hơn 10.000 USD, chủ yếu được các chuyên gia trong ngành công nghiệp báo chí sử dụng.

Đi trước 10 năm mà vẫn bị “bão” dập vùi

Fujifilm nghĩ rằng họ đã đi trước một bước nhưng thật không ngờ, thị trường phim ảnh tiếp tục phát triển. Trong năm 2001, 2/3 lợi nhuận của công ty vẫn đến từ những cuộn phim máy ảnh. Fujifilm quyết định bỏ dự án kinh doanh mới mặc dù công ty đã đi tiên phong trong lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số trước 10 năm.

Họ tin rằng ảnh in ấn vẫn sẽ tồn tại và đầu tư hàng triệu USD cho Instax Mini – một máy ảnh bằng phim có thể chụp và in ảnh trong vài giây.

Mặt hàng này tiêu thụ được hơn 1 triệu chiếc vào năm 2002. Nhưng rồi, thời đại kỹ thuật số đã bất ngờ lớn mạnh vào năm 2003, khiến Fujifilm bắt đầu xuống dốc.

“Lúc đầu, tôi nghĩ rằng mảng phim màu sẽ không biến mất một cách dễ dàng, nhưng ảnh kỹ thuật số đã lấy lại tất cả chỉ trong khoảnh khắc”, ông Komori cho biết.

 Doanh thu của họ giảm xuống 1/3 trong chưa đầy 1 năm. Chỉ trong vòng 6 tháng, các cửa hàng của họ từ chỗ bán gần 5.000 cuộn phim mỗi ngày số lượng sụt giảm chỉ chưa đến 1.000 cuộn.

Thêm vào đó, chiếc điện thoại di động đã cách mạng hóa nhiếp ảnh kỹ thuật số, chưa kể Facebook, Instagram và Twitter đã trở thành những người tiên phong mới của nhiếp ảnh khiến mặt hàng điện thoại thông minh tăng vọt.

Lãnh đạo công ty nhận thấy, những thay đổi mạnh mẽ là cần thiết tại Fujifilm. Đầu tiên là các nhà máy sản xuất phim đóng cửa, cắt giảm 5.000 việc làm.

Quá trình này giúp công ty cắt giảm chi phí hơn 5 tỷ USD nhưng họ vẫn phải đối mặt với thách thức lớn lao để tạo ra thu nhập mới.

Sự chuyển hướng bất ngờ

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Shigetaka Komori khi đó đề ra kế hoạch tác chiến đó là chuyển sang ngành công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Nghe thì không hề có sự liên quan đến lĩnh vực nhiếp ảnh nhưng Fujifilm biết rằng họ có tiềm năng ứng dụng công nghệ ngoài lĩnh vực nhiếp ảnh.

Công ty đã tích lũy được 20.000 hợp chất hóa học trong gần 1 thế kỷ nghiên cứu, tất cả đều được phát triển cho phim ảnh và chúng sẽ trở thành tài nguyên cho bộ phận dược phẩm mới của Fujifilm.

Trong sản xuất mỹ phẩm, công ty cũng sử dụng các quy trình và hóa chất giúp ngăn chặn sự biến đổi màu sắc trong nhiếp ảnh để áp dụng cho da, với tác dụng ngăn ngừa nếp nhăn và nám.

Phó Giáo sư Sampsa Samila của trường Kinh doanh NUS ngạc nhiên: “Trong ý tưởng này, áp dụng chuyên môn về hóa chất cho ngành công nghiệp hoàn toàn khác biệt là cách nhìn sâu sắc thú vị”.

Hiện ngành mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe đem lại lớn nhất cho hãng Fujifilm, đóng góp doanh thu hơn 3,4 tỷ USD mỗi năm. Đi xa hơn, hiện nay, công ty đang phát triển các loại thuốc chống ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh truyền nhiễm.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Shigetaka Komori đã giúp Fujifilm từ một công ty nhiếp ảnh trở thành một doanh nghiệp khoa học đa dạng. Những ngày này, phim máy ảnh từng chiếm tới 70% lợi nhuận của công ty giờ chỉ đóng góp chưa đầy 1% nhưng họ vẫn tiếp tục sản xuất. Ông Komori nói rằng, công ty sẽ vẫn duy trì sự sống của nó vì con người sẽ không thể sống thiếu văn hóa nhiếp ảnh.

Hoàng Bách (tổng hợp)

BẢN DESKTOP