Dọc đường

Người giữ bảo bối hút độc rắn

Bảo bối ấy chính là một hòn đá nhỏ. Nhưng lạ nhất là nó có khả năng hút độc rắn ra khỏi cơ thể người.

Và người đang giữ bảo bối có một không hai ấy chính là ông Vũ Văn Khản ở thôn Dương Cước, xã Hồng Thái (Vũ Thư – Thái Bình).

Ban đầu, khi nghe chuyện hòn đá có khả năng hút độc rắn, cứ ngỡ là chuyện bịa.

Nhưng được chứng kiến, được nghe kể bởi nhân chứng và cấp chính quyền quản lý thì mới tin đó là chuyện có thật.

Viên đá hút độc truyền qua 3 đời.

“Hòn đá thần”

Chuyện về hòn đá chữa độc đã nổi tiếng khắp Thái Bình. Nhưng vừa rồi, nó càng trở nên nổi tiếng hơn và được mệnh danh là “hòn đá thần”, hoặc “ngọc rắn” trời cho bởi chữa được cho một người bị rắn cắn đang kỳ hấp hối.

Nạn nhân là ông Vũ Minh Bằng ở huyện Xuân Trường (Nam Định). Ông Bằng bị rắn hổ mang cắn trúng cánh tay phải.

Được gia đình đưa đi cấp cứu khắp các bệnh viện nhưng đành bó tay. Các bác sĩ cho biết, độc đã ngấm vào máu, đi vào tim do nạn nhân không buộc garô kịp thời.

Gia đình đưa ông Bằng về quê chuẩn bị hậu sự. May mắn sao có người bên Thái Bình qua phà Sa Cao sang đây bán chiếu cói mới mách cho gia đình ông Bằng về hòn đá hút độc rắn ở thôn Dương Cước.

Nó đã chữa cho vài nghìn người thoát chết.

Gia đình ông Bằng cấp tốc đưa bệnh nhân qua sông. Đến nơi, toàn cơ thể người bị rắn cắn đã thâm đen.

Do độc tố ngấm mạnh nên toàn thân và nhất là phần mặt sưng phù. Hơi thở thoi thóp và được xác định sắp chết.

Ông Vũ Văn Khản mang hòn đá ra, đưa vào vết rắn cắn. Lập tức, viên đá hút chặt vào cánh tay. Khoảng một tiếng sau, viên đá tự nhả ra.

Cơ thể người bệnh cũng từ từ hồi phục. Da thâm đen trở lại hồng hào, mặt mũi cũng dần hết sưng tấy. Khoảng hơn tiếng sau thì bệnh nhân ngồi lại được, xin cốc nước uống vì khát.

Chuyện này nhẽ ra không được chứng thực. Nhưng chính ông Nguyễn Quang Vịnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hồng Thái chứng kiến.

“Từ trước tới nay tôi đã chứng kiến nhiều nạn nhân bị rắn cắn được chữa bằng hòn đá này. Chính tôi cũng đưa nhiều người bị rắn cắn đến đây cấp cứu. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một nạn nhân sắp chết được cứu”, ông Vịnh cho biết.  

Hòn đá từ đâu ra?

Ông Vũ Văn Khản, người đang là chủ sở hữu của bảo bối hút độc ấy năm nay đã ngoài tuổi 60.

Ông bảo, viên đá này đã truyền lại qua ba đời và đã chữa được cho vài nghìn người từ khắp trong Nam ngoài Bắc thoát khỏi cái chết.

Viên đá từ đâu mà có? Và sao lại biết được công dụng đặc biệt của nó là một câu chuyện dài. Rít một bi thuốc lào đến thụt nõ, ông Khản kể:

Đời ông nội tôi có nuôi giấu cán bộ cách mạng thời chống thực dân Pháp. Khi hai cán bộ vào Nam đã trao lại hòn đá cho gia đình để làm kỷ niệm.

Trước khi chia tay, họ còn dặn ông tôi là hòn đá có gốc tích từ bên Tây. Nó có khả năng chữa độc rắn rất hiệu quả và dạy cách thực hành luôn.

Ông tôi lúc đầu không tin, nhưng sau mấy lần chữa khỏi cho bà con lối xóm thì mới coi đó là chuyện thật.

Thế là cụ coi hòn đá như bảo vật, truyền lại cho đời sau để mong làm phúc cho thiên hạ.

Từ đời ông, đời bố và cho đến đời tôi, công dụng của hòn đá này vẫn không giảm mà còn tăng lên.

Người dính độc càng nặng thì hòn đá dính vào vết cắn càng chặt. Chỉ khi nào trong cơ thể nạn nhân hết độc thì hòn đá mới tự nhả ra.

Sữa biến thành màu vàng khi giải độc cho viên đá.

Vài nghìn người được khỏi

Ông Khản đựng hòn đá trong một hộp nhỏ màu đỏ. Hòn đá có màu đen giống như nam châm.

Ở mặt lớn viên đá có khắc hình chữ U. Kích thước viên đá chỉ khoảng 2,2cm, dày 1cm và nặng chưa đến 30gr.

“Thực ra gọi đây là viên đá không biết có chính xác không, vì chính tôi cũng không biết nó là đá hay là kim loại nữa. Lạ nhất là nó hút được kim loại nhưng lại không hút nam châm.

Người ta gọi nó là “ngọc rắn” hay “viên đá thần” thì tôi biết vậy”, ông Khản kể.

Suốt 3 đời giữ bảo bối này, vài nghìn người đã được chữa khỏi độc rắn mà không mất thời gian, tiền bạc.

“Tôi mới giữ viên đá này khoảng hơn chục năm nhưng đã chữa cho khoảng một nghìn người rồi.

Trước đây, ông nội và bố tôi thì chữa cho nhiều người hơn, vì ngày xưa rắn độc cũng nhiều hơn bây giờ”, ông Khản cho hay.

“Tôi đã chứng kiến hòn đá của ông Khản chữa cho rất nhiều người bị rắn độc cắn. Chính tôi cũng đã đưa nhiều bệnh nhân đến nhờ ông Khản chữa cho bằng viên đá lạ lùng ấy. Tôi không biết viên đá ấy có phép lạ gì không nhưng chỉ biết công dụng của nó là hút được độc rắn”, ông Nguyễn Quang Vịnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hồng Thái.

Gần đây nhất, ông Nguyễn Xuân Cộng ở Xuân Cước cũng bị rắn hổ mang cắn. Không cần đi đâu xa, ông nhờ xe ôm chở ngay đến nhà ông Khản để hòn đá hút độc.

Chữa cho nhiều người thoát khỏi cái chết, nhưng ông Khản không bao giờ ra giá, cũng không bao giờ đòi tiền. Chữa khỏi, ai biếu quà thì ông nhận coi như một chút lộc tổ tiên.

Ông Khản coi viên đá như một bảo bối.

Ấy vậy mà nhiều lần ông Khản bị lừa lấy mất hòn đá. Nhưng rồi, cuối cùng hòn đá cũng trở về với chủ nhân của nó.

“Mới đây, có người còn điện về bảo tôi nộp tiền để nhận được bằng khen của Thủ tướng. Tôi biết là kẻ nào đó đang lừa đảo nên khước từ”, ông Khản cho hay.

Giải độc đá bằng sữa

Bảo bối của ông Khản hút được độc rắn đã là một chuyện lạ. Nhưng lạ hơn là phải giải độc cho hòn đá ấy sau khi nó hút độc cho người khác.

Theo ông Khản, khi hút độc xong, viên đá vẫn có màu đen nhưng nhiệt độ tăng lên trông thấy. Cầm vào hòn đá thấy nóng hơn bình thường.

Viên đá có thể hút được cả kim loại.

Thế là hòn đá phải giải độc theo như lời dặn của hai cán bộ cách mạng khi trao kỷ vật.

“Mỗi lần hút độc xong, tôi phải mang chén đi xin sữa của phụ nữ mới sinh. Sau đó thả viên đá vào đó cho nó nhả độc ra”, ông Khản cho hay.

Sữa vốn màu trắng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn khi thả viên đá vào thì sẽ biến thành màu vàng.

Điển hình, có những người bị độc quá nặng thì viên đá cũng phải “làm việc” nhiều nên sữa chuyển sang màu đen.

Một điều lạ nữa là nếu bỏ viên đá này vào trong bọc thóc nếp, thì một thời gian sau bọc thóc ấy chỉ còn lại vỏ trấu, gạo không biết tiêu tan đi đâu hết.

Ông Khản đã thử nghiệm vài lần nhưng không biết nguyên nhân do đâu.

Trong thế giới tự nhiên, có những chất tương sinh tương khắc nhau, có thể làm tăng hoặc giảm, thậm chí là khử hẳn đặc tính lý hóa của nhau. Nếu đem viên đá đó vào phân tích trong các thiết bị của khoa học hiện đại thì cũng có thể tìm ra được nguyên nhân tại sao nó có thể hút được nọc độc rắn. Nhưng trên phương diện về Y học, thường dùng lý thuyết xác suất để kiểm chứng”, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP