Chữa bệnh không dùng thuốc

Người già cẩn trọng khi tập bò

Gần đây, nhiều người già truyền tai nhau

Rất nhiều người cho rằng động tác thể dục này chữa đau lưng hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe lại cho rằng, chưa có căn cứ khoa học hay nghiên cứu nào chứng minh điều này.

Động tác bò thu hút nhiều người già tham gia tập luyện nhằm chữa xương khớp.

Bài tập lạ

Cụ Nguyễn Thị Loan 83 tuổi (88 Võ Thị Sáu HN) cho biết, nghe nói ở Trung Quốc và Mỹ có nhiều người tập bò chữa được đau lưng, đau xương khớp và thoát vị đĩa đệm nên các cụ cũng thử tập theo.

Động tác này rất đơn giản, chỉ việc bò quanh nhà hoặc ra công viên đi bằng tứ chi (2 chân 2 tay), di chuyển như con mèo. Cũng có cụ không thẳng chân được thì bò bằng đầu gối, hoặc trùng đầu gối. Tùy cơ thể mỗi người, lưng cong hay gù, thẳng hay đau nhức xương khớp mà chọn một tư thế bò phù hợp. Cũng có cụ kiên trì tập được đều đặn, xương khớp khỏe ra, đỡ đau lưng nhưng cũng có cụ tập xong đau hoặc mệt không tập được phải bỏ cuộc.

Ths.BS Trần Danh Phương, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, phong trào tập bò được khởi xướng khoảng 1 năm trước đây bắt nguồn từ các phương tiện truyền thông đưa tin tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và nhiều nơi ở Mỹ có bài tập thể dục lạ theo tư thế bò. Nhiều người chia sẻ rằng, mỗi ngày tập bò 5-10 phút, có thể ngày 2 lần, trong 10 ngày đến 2 tuần sẽ giảm đau lưng, nhức xương khớp, cải thiện hiệu quả bệnh thoát vị đĩa đệm.

Chuyên gia Đông y của Trung Quốc cho rằng, con người do phải đứng thẳng đi lại trong một thời gian dài, tư thế ngồi lại không phải lúc nào cũng chuẩn vị trí, lâu ngày hệ xương sẽ bị biến dạng. Những người không thường xuyên vận động và tập luyện sẽ có thể bị trật khớp, khô khớp, thoát vị đĩa đệm…

Tư thế bò có thể rèn luyện xương khớp, hồi phục chức năng, trả lại vị trí nguyên trạng cho những vùng xương bị tổn thương, sai lệch. Khi chân trái trước bước thì chân phải sau bước lên cùng lúc. Đồng thời, chân phải trước bước thì kết hợp chân trái sau bước lên một cách nhịp nhàng, mềm mại.

Khi tứ chi bước đi so le như vậy sẽ tạo nên sự cân bằng, uyển chuyển cho hệ xương sống, giúp xương sống luôn ở trong tư thế thoải mái, ổn định. Luyện tập cách bò này một thời gian, có thể sửa chữa, đưa về vị trí những vùng xương khớp bị sai lệch, qua việc rèn luyện, hệ xương sẽ hồi phục lại tình trạng ban đầu.

Không phải ai cũng tập được

Theo Ths.BS Trần Danh Phương, khi về già, tế bào khớp bị thoái hóa, gân và dây chằng bị phân đoạn, khô cằn khiến khớp trở nên kém linh động, kém bền bỉ, co dãn và không chịu được căng lực. Nhiều người già bị còng lưng, cong vẹo cột sống, cứng khớp, khô khớp.

Bài tập bò là một phương pháp vật lý trị liệu dựa trên nguyên lý chia trọng lực cơ thể, kéo căng giãn xương khớp và kích thích hoạt động của các cơ bắp, dồn máu về não… Bài tập không chỉ đòi hỏi kỹ năng vận động mà còn liên quan đến hệ thống tiền đình – một hệ thống giác quan kết hợp giữa khả năng cân bằng và định hướng không gian.

Khi bò, phải co cơ bụng và cũng phải sử dụng cơ lưng và các cơ cốt lõi khác để duy trì vị trí đó, đồng thời di chuyển mình. Duy trì hít thở, giữ cho đầu ngẩng lên và bò cùng một lúc trong khi vẫn giữ nguyên trạng thái cơ thể là không hề dễ dàng với những người có bệnh tiền đình. Bất cứ ai có chứng đau đầu gối mà tập bò bằng đầu gối cũng không phù hợp.

Bò bằng tay và đầu gối sẽ dẫn đến thô ráp đầu gối. Nếu cơ thể có vấn đề về cổ tay, vai hoặc cổ thì không nên bò. Những người già thoái hóa xương khớp khô, yếu, thoát vị đĩa đệm, đau lưng, nếu vận động không đúng cách, tạo thêm áp lực cho xương khớp sẽ khiến bệnh nặng thêm, thậm chí rạn xương, trật khớp… Vì vậy, bài tập bò không phải ai cũng phù hợp. Khi tập cần phải theo hướng dẫn của bác sĩ trị liệu tại các trung tâm phục hồi chức năng.

Thầy thuốc ưu tú Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cũng khuyến cáo, cơ thể người tiến hóa khác với cấu tạo cơ thể động vật. Xương chậu người biến đổi từ hình dáng cao và phẳng từ phía trước ra sau, thành dáng ngắn hơn và tròn hơn, trợ lực tốt hơn cho cơ bắp để di chuyển hông khi bước đi thẳng đứng.

Góc của xương đùi hướng vào trong hơn, khiến bàn chân chúng ta có vị trí chính xác ngay ở trung tâm cơ thể. Xương sườn cũng uốn con, tạo thành hình chữ S đặc thù, giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể qua hông và khiến phần đầu được đỡ êm ái hơn khi cơ thể bước đi. Các chi dưới của chúng ta phát triển dài hơn, giúp ta bước đi những bước dài và hiệu quả hơn.

Do vậy, khi di chuyển bằng tứ chi, thăng bằng không cân như động vật, trọng lượng cơ thể dồn về phía trước gây sức ép cho cổ tay (yếu hơn cổ chân). Những người mắc bệnh đau cổ tay, cổ vai gáy, khô khớp, viêm khớp… tập bò sẽ không có tác dụng, thậm chí ngược lại. Những người đau nhức xương khớp do gai đốt sống, thoát vị đĩa đệm, rách bao xơ đốt sống… thì phải điều trị y học hiện đại, không thể tập bò mà hết bệnh được.

Chú ý phòng trị bệnh đúng cách

Theo TTUT Lê Hữu Tuấn, người già tuổi cao, cơ thể lão khóa, nếu có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi, hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách cạo gió, xoa bóp dầu để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp, giảm đau nhức khớp.

Cần tắm, rửa hàng ngày bằng nước nóng, trong phòng kín gió, tắm xong cần lau khô người và mặc quần áo ngay để tránh cảm lạnh và làm đau nhức xương khớp. Tuổi càng cao thì sự lão hóa càng gia tăng, vì vậy, các sụn khớp có thể bị bào mòn gây ra hiện tượng rách bao sụn và biến dạng tổ chức sụn.

Với người cao tuổi, để giảm thiểu khả năng bị chứng bệnh khô khớp, biến dạng, rách sụng khớp, nên chú trọng thói quen ăn uống hàng ngày. Sử dụng thực phẩm có lợi cho xương khớp như tôm, cua, sò, hàu, dầu cá, chất béo omega 3.

Bổ sung thêm: vitamin D, B, K, folic acid trong các loại rau xanh, dùng thêm rong biển, vì rong biển có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe người cao tuổi. Người cao tuổi nên tập những bài tập nhẹ nhàng uyển chuyển phù hợp với tình trạng xương khớp của cơ thể như: dưỡng sinh, thái cực quyền, khiêu vũ, bơi, đạp xe, yoga…

Có thể tập bài tập bò nhưng phải tùy tình trạng cơ thể và phải tập đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu.

Linh Nam

              Tư thế bò đúng cách (mang tính chất tham khảo)

  1. Tay và đầu gối chống xuống sàn, đặt cổ tay dưới vai và đầu gối dưới hông.
  2. Giữ cho lưng phẳng và thẳng. Mỗi khi di chuyển, nâng đầu gối khoảng 3 – 5 cm so với mặt đất.
  3. Bò bằng cách di chuyển chân nọ tay kia về phía trước khoảng 5 – 7 cm trong khi khoảng cách giữa đầu gối và lưng so với mặt đất không thay đổi. Có thể bò từ vài phút cho đến 30 – 40 phút, tùy thuộc vào sức khỏe. Khi bò phải có găng tay và dụng cụ bảo vệ cổ tay, đầu gối.

BẢN DESKTOP