Dữ liệu y khoa

Người đàn ông bị viêm phổi không thuốc chữa vì kháng tất cả các loại kháng sinh

Bệnh nhân viêm phổi vì siêu vi khuẩn, kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường khiến các bác sĩ không thể điều trị. Đáng nói, đây là trường hợp không hiếm mà khá phổ biến, nguyên nhân lớn là tình trạng lạm dụng kháng sinh hiện nay thúc đẩy quá trình nhờn thuốc nhanh hơn.

Bệnh nhân 86 tuổi được đưa vào khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở, tiền sử suy tim, tăng huyết áp. Sau 21 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn phải thở máy, sốt cao liên tục, thể trạng suy kiệt.

Các bác sĩ của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai nơi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân chẩn đoán, bệnh nhân bị viêm phổi kháng thuốc.

Điều nguy hiểm là trường hợp này bệnh kháng với tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường. Hy vọng duy nhất bây giờ là trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh.

Bệnh nhân đa kháng thuốc được theo dõi tại Bệnh viện Bạch MaiBệnh nhân đa kháng thuốc được theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Bác sĩ chúng tôi cũng bó tay vì không còn loại kháng sinh hữu hiệu nào điều trị cả. Bởi vi khuẩn đã chống lại được hết các vũ khí của y học hiện đại. Đáng nói nhất là trường hợp này không hiếm mà gặp khá thường xuyên. Và đáng tiếc, thông thường phần thua lại nằm ở phía nhân viên y tế”.

Nhắc đến những con siêu vi khuẩn kháng thuốc, bác sĩ Hùng nhấn mạnh, vấn đề này được nhắc đi nhắc lại tại các hội nghị Hồi sức cấp cứu và Truyền nhiễm từ năm này qua năm khác với nỗi lo lắng khôn nguôi.

Bởi dù không muốn, chúng ta phải thừa nhận tất cả vẫn đang là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến với siêu vi khuẩn kháng thuốc. Chúng dường như đang lây lan khá nhanh giữa các cơ sở y tế và biện pháp điều trị hữu hiệu hiện nay thì như “ánh đom đóm giữa đêm đen”.

Hiện, giống loài siêu kháng kháng sinh mạnh nhất và khoẻ nhất trên thế giới xuất phát từ những con vi khuẩn phổ biến nhất có thể gặp ở bất cứ đâu, như con trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas aeruginosa), con E.coli, con phế cầu, Klebsiella pneumonia và đặc biệt là “siêu nhân” Acinetobacter baumannii.

Những con vi khuẩn này nằm khắp nơi trong đất, nước, trên da người, tại các hốc tự nhiên trên cơ thể và loăng quăng trong không khí. Chúng vốn sống yếu ớt và hiền hoà cùng các loài vi khuẩn có ích khác và chết rất nhanh. Chính nhờ hệ thống miễn dịch cùng mối cân bằng tuyệt vời ấy mà cơ thể con người chúng ta sống một cách khoẻ mạnh.

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, vi khuẩn có hại trỗi dậy và gây bệnh. Để tiêu diệt vi khuẩn có hại gây bệnh, cơ thể cần phải sử dụng thuốc kháng sinh.

Mỗi loại thuốc kháng sinh có cơ chế tác động tiêu diệt hay kìm hãm phát triển một vài nhóm vi khuẩn nhất định. Việc dùng bừa bãi và không hợp lý thuốc kháng sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng lại do nhiều cơ chế khác nhau và hình thành các siêu vi khuẩn.

Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có nhiều lý do, có thể từ nhân viên y tế, nhưng đặc biệt do người bệnh tự mua bán thuốc không theo đơn đã thúc đẩy quá trình nhờn thuốc nhanh hơn.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhânBác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Hùng cho biết, theo một nghiên cứu công bố trên Pubmed, khảo sát tại các nhà thuốc ở Việt Nam, hầu hết thuốc kháng sinh bán đều không theo đơn, mà do nhà thuốc bán theo lời kể hoặc người mua tự kê.

Thống kê cho thấy, có đến 88% người dân thành thị và 91% người dân nông thôn mua không cần đơn thuốc. Nhu cầu sử dụng kháng sinh khi đi mua thuốc ở thành thị là 50%, nông thôn là 28% và hầu hết người dân không hiểu biết gì về kháng sinh.

Nguy hiểm hơn nữa là việc cha mẹ tự làm bác sĩ, tự mua thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh về điều trị cho trẻ, để rồi dẫn đến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, khó điều trị hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

“Trên các trang mạng xã hội của các bà mẹ bỉm sữa, việc chia sẻ các đơn thuốc tự điều trị diễn ra rất phổ biến. Rất dễ để tìm thấy những hướng dẫn điều trị bệnh có dùng kháng sinh theo lời kể, theo kinh nghiệm dùng thuốc này, thuốc kia… Trong khi đó, những người làm chuyên môn như chúng tôi lại rất thận trọng trong việc kê đơn thuốc và tư vấn bệnh qua mạng như vậy” – Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho hay.

Một đơn thuốc với nhiều loại kháng sinh được mẹ bỉm sữa chia sẻ trên mạng xã hội Một đơn thuốc với nhiều loại kháng sinh được mẹ bỉm sữa chia sẻ trên mạng xã hội

Việc sử dụng thuốc phải theo đơn, phải theo chỉ định và khuyến cáo của bác sĩ. Đừng vì sự thiếu hiểu biết của người lớn để rồi trẻ nhỏ phải hứng chịu hậu quả.

Cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Và biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là giữ vệ môi trường ở, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đồng thời, mỗi người cần hình thành thói quen tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể có khả năng chống chọi với các mầm bệnh.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước có tác dụng ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của những bệnh nhiễm khuẩn. Rửa tay bằng xà phòng đúng cách được ví như vắc-xin hữu hiệu mà rẻ tiền cho hệ miễn dịch.

Tình hình vi khuẩn kháng thuốc đáng lo ngại mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang cảnh báo trên toàn cầu: 

– Tình hình kháng thuốc của vi khuẩn Klebsiella pneumoniae: Vi khuẩn đường ruột phổ biến có thể gây nhiễm trùng nặng đe dọa đến tính mạng, đã trở nên nguy hiểm hơn khi vi khuẩn này đã kháng với loại kháng sinh được chọn lựa cuối cùng (carbapenem) và đã lan rộng đến tất cả các vùng trên thế giới. 

K.pneumoniae là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng bệnh viện như viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng sơ sinh và nhiễm trùng ở những bệnh nhân đang được điều trị tại các khoa chăm sóc đặc biệt. Ở một số nước, kháng sinh carbapenem đã còn không hiệu quả ở hơn một nửa số bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng do K. pneumoniae.

– Tình hình kháng thuốc của vi khuẩn E. coli: Đối với một trong những loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (fluoroquinolone) hiện nay đã rất phổ biến. Nhiều quốc gia trên thế giới, kháng sinh fluoroquinolone hiện nay không hiệu quả ở hơn một nửa số bệnh nhân. 

– Tình hình kháng thuốc của vi khuẩn lậu cầu: Thất bại điều trị với thuốc cuối cùng cho bệnh lậu (nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3) đã được xác nhận ở ít nhất 10 quốc gia, bao gồm: Úc, Áo, Canada, Pháp, Nhật Bản, Na Uy, Slovenia, Nam Phi, Thụy Điển và Vương quốc Anh và Bắc Ireland. 

Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới đã cập nhật các hướng dẫn điều trị cho bệnh lậu để giải quyết tình trạng kháng thuốc mới nổi. Các hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo sử dụng quinolone để điều trị bệnh lậu do mức kháng thuốc cao. Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị nhiễm trùng chlamydia và giang mai cũng được cập nhật. 

– Tình hình kháng thuốc của vi khuẩn tụ cầu vàng: Thất bại điều trị với kháng sinh đầu tiên được chọn lựa trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do Staphlylococcus aureus, một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng nặng trong các cơ sở y tế và cộng đồng, đã trở nên phổ biến. Những người bị nhiễm MRSA (Staphylococcus aureus kháng methicillin) ước tính có khả năng tử vong cao hơn 64% so với những người nhiễm tụ cầu không kháng thuốc. 

– Tình hình kháng thuốc của vi khuẩn Enterobacteriaceae: Colistin là phương pháp điều trị cuối cùng được chọn lựa cho các bệnh nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng do vi khuẩn Enterobacteriaceae kháng carbapenems. Tình hình kháng colistin gần đây đã được phát hiện ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, điều này sẽ dẫn đến không còn khả năng điều trị khi bệnh nhân bị nhiễm trùng do vi khuẩn này.

Theo Linh Ly/giadinhmoi.vn

BẢN DESKTOP