Thời sự

Người đàn ông bị bò giẫm nát chân phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Đang chăm sóc đàn bò, ông C. 58 tuổi (Tây Ninh) bất ngờ bị một con bò giẫm mạnh vào cẳng chân phải, khiến chân tổn thương nghiêm trọng và phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp.

Ngày 13/9, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết, ông C. (58 tuổi, quê Tây Ninh) nhập viện hai tuần trước với vết thương cẳng chân phải, lóc da, gân cơ lộ đứt nham nhở, nguy cơ nhiễm trùng nặng, thậm chí hoại tử.

Theo thông tin của gia đình, ông C. đang chăm sóc cho đàn bò của gia đình thì bất ngờ bị một con giẫm mạnh vào cẳng chân phải. Vụ việc xảy ra quá nhanh khiến ông C. không kịp phản ứng. Hậu quả là cẳng chân phải của ông C. bị tổn thương nghiêm trọng, miệng vết thương rách phức tạp, bị lẫn đầy đất cát.

Cẳng chân phải của ông C. bị tổn thương nặng

Cẳng chân phải của ông C. bị tổn thương nặng

Gia đình đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình đã kiểm tra và ghi nhận chân phải của ông C. bị rách một mảng lớn, lóc da, gân cơ lộ đứt nham nhở, chảy máu nhiều, chứa đầy đất bẩn và dị vật, nguy cơ nhiễm trùng nặng.

Ngay lập tức, người bệnh được đưa vào phòng phẫu thuật để nhanh chóng xử lý vết thương và ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã làm sạch toàn bộ vết thương, cầm máu kịp thời và loại bỏ hoàn toàn các dị vật, đất cát bám chặt trong mô cơ. Sau khi vệ sinh kỹ càng, vết thương được khâu lại cẩn thận và phần cẳng chân bị tổn thương được cố định để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.

Sau phẫu thuật, sức khỏe của ông C. dần ổn định, có thể vận động nhẹ tại giường. Các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi phần vết thương, kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng, nếu phần da lóc bị hoại tử sẽ cắt lọc và ghép da tự thân để vết thương được lành nhanh nhất.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Cương khuyến cáo người dân về việc xử lý chấn thương ngoại khoa do tai nạn trong sinh hoạt và lao động. Theo đó, người dân khi bị chấn thương cần cố gắng giữ bình tĩnh và nhanh chóng sơ cứu ban đầu. Nếu vết thương chảy máu nhiều, hãy dùng băng sạch, hoặc khăn sạch để cầm máu tạm thời, không tự ý rửa vết thương bằng nước bẩn hoặc bất kỳ dung dịch nào chưa được khử trùng.

Đối với các vết thương nham nhở, có chứa đất cát hoặc dị vật, rất dễ dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng nên hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài, và đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử lý đúng cách.

Người bị chấn thương cần lưu ý không nên tự ý điều trị tại nhà. Đối với các chấn thương nặng, sâu hoặc có nguy cơ nhiễm trùng cao, cần được bác sĩ chuyên môn thăm khám và điều trị kịp thời. Việc tự ý dùng thuốc hoặc đắp lá có thể làm tình trạng vết thương nghiêm trọng hơn.

Bất cứ khi nào gặp phải tai nạn gây chấn thương, hãy ưu tiên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được điều trị đúng cách nhằm tránh biến chứng lâu dài. Sau khi được điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc vết thương, uống thuốc đúng liều và tái khám định kỳ để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra tốt đẹp.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP