Đời sống

Người chuyên viết điếu văn

81 tuổi, ngoài thú vui làm thơ và tham gia các hoạt động xã hội, ông Nguyễn Hữu Sinh (B1 Kim Liên, Hà Nội) còn là người chuyên viết điếu văn. Từ bà con hàng xóm đến bạn bè, họ hàng…, gia đình nào có người mất là thường tìm ông để nhờ viết điếu văn.

Ông Nguyễn Hữu Sinh

Làm phúc đừng mong người ta trả

Ông bảo ở tuổi này mà vẫn được mạnh khỏe là do ông được nhiều người phù hộ, bởi ông luôn viết điếu văn vì cái tâm với người đã mất. Nghĩa tử là nghĩa tận. Không chỉ đơn giản là một bản lý lịch đọc lên lúc truy điệu, mà còn là tình cảm của người sống với người đã khuất, là sự nhắn nhủ của người ra đi với người ở lại.

Mỗi con người dù hoàn cảnh khác nhau, cuộc sống khác nhau… nhưng đều có một nơi sâu thẳm thiêng liêng chứa đựng những điều tốt đẹp nhất, mà nếu ta chạm đến được tức là đã chạm đến trái tim họ.

Thế nên, có ai nhờ là ông bỏ công ra tìm hiểu về gia đình người đã mất, nghiên cứu kỹ lý lịch vì đây là phần xương sống, rồi dựa trên những hiểu biết, cảm nhận của mình mất cả đêm say sưa viết. Vì tâm huyết như thế nên mỗi bài điếu văn của ông đều gây xúc động lòng người.

Trước khi nhận lời viết hộ cho ai, ông đều đưa ra hai yêu cầu. Thứ nhất ông viết thì phải để ông đọc, vì ngữ điệu, rồi những chỗ ngắt câu, lên chỗ nào, xuống chỗ nào, chỉ ông mới biết, mới tạo nên sự xúc động, đi vào lòng người. Yêu cầu thứ hai là gia đình tuyệt đối không được đưa tiền bồi dưỡng, vì đây là cái tâm, là sự chân thành của ông.

Ông luôn tâm niệm, làm phúc đừng bao giờ mong người ta trả, mà sẽ có người khác trả cho mình. Điều đó ông nghiệm ra từ chính cuộc đời mình. Cách đây 5 năm, ông phải vào viện, tưởng đã không cứu được, vậy mà vẫn qua khỏi. Cuộc đời này hay là ở chỗ ấy. Chứ cứ tiền nong sòng phẳng nhiều khi chẳng còn tình nghĩa nữa.

Trò chơi với những con chữ

Ông Sinh còn có một đam mê nữa là làm thơ. Những bài thơ dung dị, đầy tình người về những sự vật, những con người cụ thể, gần gũi xung quanh. Trò chơi với những con chữ tuyệt vời, thú vị lắm. Làm thơ là phải tìm tòi từ ngữ, có những từ phải suy nghĩ, trăn trở, khổ sở vài ba đêm mới tìm ra được. Lúc đã tìm ra được thì sung sướng lắm, không gì có thể tả nổi.

Có những đêm nằm nghe văng vẳng một tiếng rao đêm hay một tiếng động gì đó, chợt nảy ra một từ, một ý rất hay, thế là lại bật dậy tìm giấy bút ghi lại.

Hay có lần ông đã viết bài văn xuôi gần 1000 chữ toàn vần T. Thế là trước đó phải nằm nghĩ, phải tìm tòi những từ có vần T, giống như người ta thu thập toàn bộ nguyên liệu, gom vật tư để dựng rạp rồi sau đó chỉ việc dựng lên. Rất thú vị!

Ông bắt đầu làm thơ từ khi mới ngoài 20 tuổi, như ông nói làm thơ là để “tán gái”. Lúc còn công tác thỉnh thoảng cũng có làm thơ. Nhưng phải đến khi nghỉ hưu, có thời gian ông mới tham gia vào các câu lạc bộ thơ của phường, của Bộ Giao thông vận tải (là cơ quan cũ)… thì làm thơ mới thực là đam mê.

Có thể nói, lúc ăn, lúc ngủ, lúc nào cũng nghĩ đến thơ. Đến nỗi, đang đi thấy tắc đường vì một đám chửi nhau, cũng ra một bài thơ.

Làm thơ còn giúp ông không ngừng tìm tòi, học hỏi. Ví dụ viết về những con đèo ở Việt Nam, đi qua đã nhiều, nghe tên đã nhiều, đọc đã nhiều, nhưng ông còn tìm gặp những người bạn lái xe để hỏi về những con đèo mà họ đã qua, rồi mới có thể yên tâm viết.

Cái thú viết lách còn khiến ông cộng tác với các báo, đặc biệt là báo Giao thông. Đây cũng là cách để ông giữ trí não minh mẫn.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP