Dữ liệu y khoa

Ngừa sỏi thận mùa nắng nóng

  • Tác giả : LY. Thu Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Khi các chất thải trong nước tiểu không được hòa tan hoàn toàn sẽ dẫn đến sự hình thành các tinh thể. Quá trình lắng đọng tiếp tục dẫn đến hình thành sỏi.

Uống ít nước, bị mất nước gây sỏi thận

Một số viên sỏi thận nhỏ đến mức chúng có thể dễ dàng thoát ra ngoài qua đường tiểu tiện mà không thể nhận ra. Tuy nhiên, nếu chúng quá lớn sẽ cần tới sự can thiệp của y học. Những viên sỏi lớn có thể gây ra những nguy cơ cho sức khỏe bởi sẽ gây tắc khiến thận bị ứ nước, gây viêm thận. Nếu sỏi lọt vào niệu quản sẽ gây ra các cơn đau quặn.

Sỏi thận là một bệnh phổ biến ở nước ta. Theo số liệu thống kê tại các bệnh viện, có từ 25– 30% bệnh nhân phải phẫu thuật thận, trong đó có nhiều người mắc sỏi thận gây biến chứng viêm thận, bể thận. Tỉ lệ tái phát của sỏi thận rất cao, từ 10 – 50%. Qua nghiên cứu người ta cũng nhận thấy, những người dễ mắc sỏi thận thường là người uống ít nước, bị mất nước do các nguyên nhân khác nhau, thiểu niệu, tăng nồng độ canxi, oxalate, axit uric (bệnh nhân bị gút lâu ngày) hay giảm nồng độ citrate trong nước tiểu, bệnh nhân bị tắc niệu quản, tắc niệu đạo do bệnh lý hay di truyền, phụ nữ bị viêm nhiễm đường tiết niệu, người mắc bệnh khớp lâu ngày, viêm đại tràng...

Triệu chứng của sỏi thận là tiểu ra máu, đái rắt, buồn nôn,  đau buốt khi đi tiểu, đau khi chạm vào vùng thận, nhiễm trùng đường tiểu. Khi gặp những triệu chứng này người bệnh cần đến viện khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Để điều trị sỏi thận người ta thường phải mổ, tán sỏi ngoài cơ thể, uống thuốc làm tan sỏi và biện pháp uống thuốc được nhiều người sử dụng nhất.

Từ bi, kim tiền thảo giúp phòng tránh sỏi

Để phòng tránh sỏi thận, nhân dân ta hay dùng kim tiền thảo. Các nghiên cứu cho thấy, kim tiền thảo có tác dụng ức chế sự tạo sỏi canxi oxalat trên chuột cống trắng. Hợp chất saponin triterpenic trong kim tiền thảo có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi canxi-oxalat ở thận. Chất polysaccharid ức chế sự tăng trưởng của sỏi canxi-oxalat monohydrat. Kim tiền thảo có tác dụng lợi tiểu, pha loãng dòng nước tiểu, làm ngưng sự gia tăng kích thước của hòn sỏi, đồng thời hòa tan sỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi di chuyển xuống dưới và tiểu tiện ra ngoài.

Một loại cây khác dễ kiếm có tác dụng đẩy sỏi là cây từ bi (đại bi, cúc tần). Theo các nghiên cứu khoa học, trong lá của cây từ bi có chứa nhiều tinh dầu và 18 chất triterpen khác. Với bệnh nhân mắc bệnh có đái ra máu, đái buốt, đau lưng nên phối hợp 1 nắm rau ngổ khô, 1 nắm lá từ bi khô, 1g hoạt thạch tán bột mịn, cho tất cả vào ấm, đổ 2,5 lít nước để sắc chỉ còn 2 lít uống cả ngày. Bài thuốc cần được thực hiện kiên trì.

Ngoài kim tiền thảo, từ bi…người có bệnh sỏi thận có thể uống nước râu ngô kết hợp dinh dưỡng hợp lý để đẩy sỏi. Ví dụ, người bị sỏi mật nên hạn chế ăn mỡ, phủ tạng động vật, trứng vì các loại thực phẩm này ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày. Khi ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi. Người bị sỏi canxi nên điều hòa sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều hàm lượng canxi như quả ôliu, hạt dẻ, mận, vải, trứng và hải sản…Mắc sỏi urat nên tiêu thụ các thực phẩm mang tính kiềm, ăn nhiều các loại rau cải, trái cây, uống sữa và hạn chế sử dụng thịt động vật. Nếu có sỏi cystein nên hạn chế ăn muối, ăn nhiều trái cây, rau quả, hạn chế ăn nhiều thịt gà và hải sản…Nhìn chung, khi mắc sỏi thận, nên ăn tăng cường rau quả tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin A và có chứa nhiều axit béo không no như: củ cải trắng, dưa hấu, cà rốt, rau diếp cá, gạo lứt, các loại rau xanh vì có nhiều chất xơ, có thể kết hợp với axit mật, ngăn chặn khả năng hình thành sỏi.

Lương y Thu Hằng (TT Ứng dụng các bài thuốc gia truyền)

LY. Thu Hằng

BẢN DESKTOP