Khám phá

Ngôn quan thời Lê sơ – kỳ 2: Những người không sợ ngược ý bề trên

Những người không sợ ngược ý bề trên, đó là các ngôn quan bởi chức năng can gián của họ rất nặng nề, động chạm tới nhiều người tai to mặt lớn.

Hình minh họa.

Tôi ngay không sợ chết

Theo Phan Huy Chú, chức vụ của Giám sát ngự sử ở 13 đạo là: “Xét hỏi các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại liên quan bản đài xét xử và cuối năm trình bày về chính sự hiện thời.

Giám sát ngự sử có trách nhiệm trực tiếp thực thi quyền hành của mình ở các đạo để xử lý nhũng nhiễu nếu có, thẩm tra lại những vụ án về tướng đẽo khoét quân lính, người có chức quyền lấy của dân và cả việc thẩm tra, đánh giá người liêm khiết để tâu lên triều đình phân xử, từ đó mà răn đe hoặc khuyến khích.

Nhờ đó tạo thành một bộ máy có hệ thống hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương, giúp cho hiệu quả hoạt động của Ngự sử đài thêm cao và quyền lực thêm nhiều để thực hiện tốt trách nhiệm được giao”.

Ở triều đình nhà Lê sơ, Lục khoa và Ngự sử đài là hai cơ quan cao nhất có quyền hành, chức năng về giám sát, phản biện quan lại. Đặc biệt trong đội ngũ quan chức Ngự sử đài, vai trò đàn hặc can gián của họ đối với vua quan nhà Lê sơ được thể hiện rất rõ.

Quan viên thuộc Ngự sử đài thời Lê Thái Tổ gồm có: “Đô Ngự sử hàm chánh tam phẩm; Phó đô ngự sử hàm chánh tứ phẩm, Thiêm đô ngự sử hàm chánh ngũ phẩm, Đề hình án sát ngự sử, thập tam đạo giám sát ngự sử, án ngục sở, ngục thừa đều hàm chánh cửu phẩm”.

Đến thời Lê Thánh Tông thì giảm thiểu chỉ còn Đô Ngự sử, Phó đô ngự sử, Thiêm đô ngự sử, giám sát ngự sử và 13 giám sát ngự sử ở 13 đạo.

Cứ như lời của vua Lê Nhân Tông, năm Bính Tý (1456) thì chức vụ của các quan thuộc Ngự sử đài là: “Giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, từ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện”.

Nhưng nhiệm vụ cụ thể của họ không chỉ dừng lại ở đó, được xem là ngôn quan trong hàng ngũ quan viên, chức trách phải nói của họ còn là hặc tội những quan viên nào làm trái với chức nhiệm của mình như tham nhũng, lạm quyền, phạm luật, thiếu năng lực…

Chức năng can gián này rất nặng nề: “Dầu thấy rìu búa mà cũng dám can gián vua. Dầu thấy vạc dầu sôi, đe trước mặt cũng nói cho hết lời can gián vua. Như vậy, mới gọi là tôi ngay. Tôi ngay thì chẳng sợ chết, nếu sợ chết thì chẳng phải tôi ngay”.

Nhiệm vụ nói thẳng nói thật

Mặc dầu không phải là đại thần quyền cao chức trọng khiến hàng ngũ quan lại dưới quyền phải nể sợ, nhưng với vị trí mà các ngôn quan làm, họ được sự bảo vệ của nhà vua.

Năm Mậu Thìn (1448), Giám sát Ngũ hình Trình Duy Nhất để các án kiện đọng lại nhiều bị ngôn quan hặc tội nhưng lại chống chế, biện bạch và kể tội ngôn quan, cho là họ bới móc cái xấu của người khác mà không biết sửa mình đã bị vua Lê Nhân Tông lệnh đánh 80 trượng, biếm chức hai tư là một vụ điển hình.

Trong 14 kế sách trị bình dâng lên vua Lê Tương Dực (1510- 1516), Lương Đắc Bằng nhấn mạnh một trong 14 kế sách cần làm ấy là phải kén chọn gián quan để cho người dám nói phấn khởi, càng cho thấy tầm quan trọng của đội ngũ này.

Vì vậy, khi đặt người nào vào chức ngôn quan cần có sự chọn lọc kỹ càng với tiêu chuẩn cao mà như chính một bản thân ngôn quan thời Lê Nhân Tông là Ngự sử Trung thừa Phạm Du đã tự bộc bạch vào năm Bính Tý (1456): “Bọn thần lạm dự chức ngôn quan, không thể né sợ người quyền thế, cũng không thể im lặng không nói, làm đúng như lời dụ của bệ hạ”.

Đó là nhiệm vụ nói thẳng nói thật, không sợ quyền thế, không sợ trách phạt, không sợ ngược ý bề trên và không bị danh lợi mua chuộc. Sử từng ghi về ngôn quan Phan Thiên Tước “gặp việc dám nói, đến vua cũng nể sợ”.

(còn nữa)

Chí Đức

BẢN DESKTOP