Đời sống

Ngộ độc thực phẩm do ăn sắn

  • Tác giả : Ngọc Thái
(khoahocdoisong.vn) - Theo báo cáo của Tổng hội Y học Việt Nam, người (nặng khoảng 50kg) hấp thu phải chất acid Cyanhydric (HCN) trong củ sắn khoảng 20mg sẽ bị ngộ độc và 50mg sẽ tử vong.

Tháng 6 vừa qua tại Buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn sắn (luộc) mọc hoang dại khiến 3 cháu bé bị ngộ độc, trong đó một cháu đã tử vong trên đường đi chuyển viện. Theo kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, định lượng axit cyanhydric (HCN) đã hấp thụ trong cơ thể đứa trẻ 6 tuổi tử vong là 148mg.

Theo Phòng Nghiệp vụ - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đăk Lăk, triệu chứng ngộ độc sắn biểu hiện vài giờ sau khi ăn: Đau bụng, nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, ù tai, tê lưỡi, dị cảm đầu chi, nặng hơn có thể co giật, hôn mê, suy hô hấp và tử vong.

Cây sắn bị bệnh khảm lá.

Cây sắn bị bệnh khảm lá.

Để tránh ngộ độc sắn, khi chế biến phải loại bỏ hết vỏ và phần đầu củ; ngâm qua đêm, khi luộc cho nhiều nước và mở vung cho chất độc thoát ra; Không nên ăn những củ sắn lâu năm, sắn dẻo không bở, sắn có vị đắng, đọt sắn non vì những loại này có chứa nhiều HCN. Sắn đã chế biến (sắn khô, bột sắn) thường ít độc tính hơn sắn tươi; Không sử dụng sắn đắng, sắn cao sản (cả củ và lá) và sắn mọc hoang dại để chế biến thức ăn. Khi nghi ngờ là sắn độc, tuyệt đối không sử dụng để ăn. Khi ăn sắn, thấy có vị đắng thì không nên ăn. Không ăn sắn vào buổi sáng sớm, ăn khi đói.

Khi có người bị ngộ độc sắn, phải nhanh chóng loại trừ tác nhân gây ngộ độc bằng gây nôn chủ động trước 30 phút sau ăn và khi bệnh nhân tỉnh. Cho bệnh nhân uống dung dịch đường (tốt nhất là đường glucosa 30 – 50%) và chuyển đến cơ sở điều trị gần nhất.

Trước tình hình các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải độc tố tự nhiên gây tử vong (độc tố tự nhiên trong: Cóc, nấm, củ sắn, măng…) ngày càng tăng cao, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đăk Lăk khuyến cáo: “Tuyệt đối không bắt cóc làm thịt và hái các loại rau, củ, quả (nấm, củ sắn, măng,…) mọc tự nhiên, hoang dại, không có nguồn gốc rõ ràng để chế biến thực phẩm”.

Ngọc Thái

BẢN DESKTOP