Như trường hợp của chị Thu quả là bi hài. Muốn lấy được trợ cấp nuôi con từ chồng cũ, chị Thu phải đi uống cà phê với anh, thậm chí phải đi nhà nghỉ.
Đi nhà nghỉ với chồng cũ để đòi tiền… cấp dưỡng
Vợ chồng chị ly hôn cách đây 5 năm sau khi chung sống 10 năm và đã có hai cô con gái. Lý do rất đơn giản, anh ngoại tình, muốn bỏ vợ để cưới bồ. Ngày ra tòa, chị được mẹ chồng cho một căn hộ chung cư cũ để làm chỗ ở và nuôi con. Anh chồng hứa mỗi tháng trợ cấp cho mỗi con 2 triệu. Thời gian đầu, anh thực hiện khá nghiêm túc, do người vợ mới của anh tự tay chuyển khoản ngân hàng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân thứ hai đổ vỡ chỉ sau hai năm khiến anh trở nên cáu bẳn, khó chịu. Anh xả giận bằng cách khó dễ với chị Thu khi đưa trợ cấp nuôi con.
Lương nhân viên văn phòng của chị 6 triệu một tháng, cộng thêm 4 triệu tiền trợ cấp từ chồng, số tiền chỉ vừa đủ chi trả cho cuộc sống của ba mẹ con. Tháng nào anh chậm, quên đưa tiền là tháng đó bọn trẻ phải nợ tiền học. Không muốn gặp mặt anh, chị đề nghị anh chuyển khoản ngân hàng nhưng anh không đồng ý. Anh đòi chị đi uống cà phê, tranh thủ cầm tay, nắm chân, thỉnh thoảng lại đòi chị vào nhà nghỉ thì mới đưa tiền. Nếu chị không đáp ứng, anh giận dỗi cắt luôn trợ cấp. Được chồng đồng ý tại tòa sẽ chu cấp mỗi tháng 3 triệu cho con nhưng chị Thủy cũng chỉ nhận được tiền trong năm đầu. Lúc đó, vài tháng anh mới chuyển tiền một lần và luôn miệng phàn nàn chị chỉ biết đến tiền.
Ảnh minh họa.
Sau đó, anh lấy vợ mới và quên luôn trách nhiệm đóng góp tài chính với chị Thủy. Chị nhắn tin, gọi điện đòi tiền, anh không trả lời. Để tránh bị chị làm phiền, anh cũng chặn luôn Facebook của chị. Loay hoay sống trọ tại Hà Nội với số lương ít ỏi, chị Thủy đã đem con về nhà ngoại gửi để đỡ tốn tiền đi học mầm non của bé. “Nếu mình nhiều tiền cũng chả ngóng gì khoản trợ cấp đó”, chị Thủy than thở và đang dự định nhận hàng về bán online để tăng thêm thu nhập, hy vọng tiết kiệm được tiền sẽ đón con lên ở cùng mình lúc bé vào tiểu học.
Thể hiện rõ quan điểm không đưa vợ tiền trợ cấp cho con hàng theo quy định của tòa án, anh Dũng (Bình Dương) tự ý chuyển tiền thành quà mỗi khi đến thăm con: “Tôi chả bao giờ thấy mẹ nó mua sắm gì cho con cả, không quần áo đẹp, không đồ chơi”. Trong khi đó, chị Hằng, vợ cũ của anh phàn nàn, đồ chơi anh mua cho con chất đầy phòng nhưng lúc con ốm, chị cần tiền nộp cho bệnh viện thì gọi cho anh không được.
Anh Dũng không muốn đưa tiền cho chị vì thấy chị sống cùng bố mẹ đẻ, không hề thiếu thốn. “Con ốm chắc là lý do cô ta bịa ra để đòi tiền”. Anh tuyên bố, thay vì đưa vợ cũ, mỗi tháng anh tự gửi tiết kiệm bằng đấy tiền và sẽ đưa con khi nó 18 tuổi. Để tránh phải cấp dưỡng cho cô con gái 6 tuổi sống cùng mẹ, chồng của chị Liên (Từ Liêm, Hà Nội) đã chuyển chỗ ở và bặt vô âm tín.
Trước kia, cứ 3 tháng một lần, muốn lấy tiền cho con, chị phải lặn lội đến tận nơi anh đang ở trọ. Nhưng gần đây, gọi điện vài lần thấy anh không nghe máy, chị Liên đến nơi mới biết anh đã chuyển đi từ lúc nào. Chị gọi điện cho ông bà nội thì ông bà cũng nói không biết anh chuyển đi đâu. “Chẳng lẽ tôi phải về quê nhà ông bà bắt vạ anh ta. Mà anh ta làm nghề tự do nên biết ở đâu mà tìm. Thôi đành tự lo cho con vậy”.
Kiên trì áp dụng luật
Thật ra, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam có hẳn một định chế về cấp dưỡng, kèm các văn bản hướng dẫn thi hành, Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng có quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục và các biện pháp cưỡng chế thi hành cấp dưỡng; ngoài ra, còn có các biện pháp chế tài về hành chính, hình sự để bảo đảm thi hành án, thi hành việc cấp dưỡng nuôi con.
Chị Hà, một giáo viên mầm non ở quận Bình Thạnh, có chồng là một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện ở TPHCM ý thức được rằng khi nhận nuôi đứa con trai bốn tuổi, một mình chị với đồng lương giáo viên, chị không thể nuôi nổi và khi ly hôn, chị đã yêu cầu tòa án giải quyết buộc người cha phải chu cấp nuôi con mỗi tháng 1,5 triệu đồng, tương đương với 30% mức lương của người cha. Tuy nhiên, đã quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của tòa án mà người cha vẫn không thi hành. Thời gian sau đó, chị Hà phải nhiều lần đến cơ quan thi hành án để đôn đốc, hỏi thăm nhưng chấp hành viên bảo “trường hợp này rất khó, vì đương sự cố tình không thi hành…”.
Nhận thấy đã 3 tháng trôi qua mà cơ quan thi hành án không có biện pháp nào đối với người phải thi hành án, chị Hà đã làm đơn khiếu nại gởi đến trưởng cơ quan thi hành án của quận, nhưng nơi đây lại bảo chị về chờ… Mãi đến khi chị gởi đơn khiếu nại lên cơ quan Thi hành án dân sự TP và VKSND quận, kèm đơn xác nhận có hoàn cảnh khó khăn thì cơ quan thi hành án mới tiến hành ra quyết định cưỡng chế bằng cách khấu trừ từ nguồn lương, thu nhập của người cha tại bệnh viện. Đến tháng 7- 2008, chị Hà được cơ quan thi hành án mời lên chính thức nhận số tiền cấp dưỡng, sau 6 tháng kiên trì đeo bám cơ quan thi hành án.
Chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo (tổng đài 1900 6233 – Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM) cho rằng ly hôn thường diễn ra sau khi cả hai vợ chồng đều đã có những tổn thương trong quá trình chung sống. Vì vậy cách nhìn, cảm xúc, thái độ của họ đối xử với nhau sau ly hôn là không mấy tích cực. Khi lòng tự trọng bị tổn thương, vết thương lòng còn đó thì rất khó để có thể thoải mái thực hiện trách nhiệm của mình. Trong trường hợp này, con cái vô tình trở thành nạn nhân của chính mối quan hệ của cha mẹ ruột của chúng. Thêm vào đó, khi đường ai nấy đi rồi sẽ dẫn đến xa cách và từ đó trách nhiệm cũng giảm theo.
Ông Thảo nhận xét, một ông chồng không chịu chu cấp cho con có thể vì muốn rũ bỏ trách nhiệm, trả thù vợ cũ nhưng đôi khi cũng có thể do anh ta kinh tế khó khăn hay bản thân người vợ cũ không hợp tác. Chuyên gia tâm lý khuyên: “Lời nói không mất tiền mua”, người vợ cũ cũng không nên khi liên lạc với chồng cũ chỉ là “tiền và tiền”, mà hãy nên hỏi thăm cuộc sống của chồng cũ, đem việc của con ra bàn bạc thì các ông chồng sẽ vui vẻ chia sẻ trách nhiệm tài chính hơn. Hãy để lại quá khứ phía sau, hãy đối xử với nhau như những người bạn: tôn trọng, bình đẳng, không nói xấu nhau dù bất cứ lý do gì, cả hai cùng bàn bạc thể hiện trách nhiệm với con (cụ thể, rõ ràng) và đặt quyền lợi của con cái trên hết.
Còn xét về mặt pháp luật, khi người chồng không chịu chu cấp cho con sau ly hôn, người vợ hoàn toàn có quyền đòi lại quyền lợi cho con theo khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định. Để buộc chồng phải trợ cấp cho con, người vợ có quyền làm đơn yêu cầu hoặc đến trình bày trực tiếp bằng lời nói (có lập biên bản) tại cơ quan thi hành án của địa phương nơi xét xử vụ án ly hôn của mình trong thời gian 5 năm kể từ khi bản án ly hôn có hiệu lực. Mặc dù vậy, một cán bộ tư pháp tại TP HCM cho biết, việc thi hành án dân sự sau ly hôn nhiều khi không đơn giản, đó là một công việc mà các chấp hành viên rất ngán ngại.
Nếu người chồng có công việc và thu nhập ổn định, người ta có thể khấu trừ trực tiếp từ lương của anh ta để chuyển cho người vợ. Tuy nhiên, đối với những người làm công việc tự do, các chấp hành viên phải đến nhà vận động và kết quả đôi khi phụ thuộc vào “sự tử tế” của anh ta.
Ví dụ, tại chi cục thi hành án quận Gò Vấp, TP HCM, kết quả không thi hành án về khoản cấp dưỡng nuôi con là khoảng 30%, do nguyên nhân người cha không có việc làm, chuyển chỗ ở… Nhiều nhân viên ở đây vẫn còn nhớ trường hợp một cậu bé hàng tháng vẫn tới cơ quan thi hành án lấy tiền trợ cấp của bố. Vụ theo dõi trợ cấp cho em đã diễn ra trong một thời gian dài với 3 lần thay đổi chấp hành viên phụ trách.
Theo Thanh An/Hôn nhân và pháp luật