Khoa học & Công nghệ

Nghiên cứu mới về di truyền của người Việt

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Theo những nghiên cứu mới nhất của GS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, phát hiện thấy các nhóm ngôn ngữ ở Việt Nam có nguồn gốc khác nhau về sự đa dạng di truyền.

Nghiên cứu hệ gene của 22 dân tộc

Bài báo khoa học vừa được công bố trên tạp chí Molecular Biology and Evolution1, GS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và GS Mark Stoneking, Viện Max Planck về Nhân chủng học tiến hóa và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu mới đa hình đơn phân tử trên toàn bộ hệ gene của người Kinh và 21 dân tộc khác ở Việt Nam, thuộc cả năm ngữ hệ chính ở Đông Nam Á, cùng với dữ liệu đã được công bố trước đây từ nhóm cư dân lân cận và các mẫu vật cổ.  "Chúng tôi phát hiện thấy các nhóm ngôn ngữ ở Việt Nam có nguồn gốc khác nhau về sự đa dạng di truyền”, GS Nông Văn Hải, đồng tác giả liên hệ của công bố cho biết. Tuy nhiên, đa dạng về ngôn ngữ không hoàn toàn đồng nhất với đa dạng di truyền, đã có sự tương tác gần gũi giữa các nhóm người Hmông-Miền và Thái - Kadai. Ngoài ra, có thể đã có giao lưu văn hóa giữa các tộc người, bởi một số nhóm thuộc ngữ hệ Nam Á đã chuyển sang nói thứ tiếng thuộc ngữ hệ Nam Đảo.

Các nhà khoa học cũng phát hiện bằng chứng cho thấy nhóm người Kinh, vốn đã được tập trung nghiên cứu trước đây, có thể không phản ánh sự đa dạng di truyền của người Việt Nam nói chung. Trong các nhóm người Việt Nam hiện nay, các tộc người trong một ngữ hệ hầu hết được xếp vào cùng một nhóm. Trong các ngữ hệ này, các nhóm Hán-Tạng, H'Mông-Miền và Thái - Kadai hầu hết đều tách riêng so với các nhóm Nam Á và Nam Đảo. Nhìn chung các dân tộc ở Việt Nam có những đặc điểm cho thấy mối quan hệ gần gũi với các nhóm ở khu vực  ngày nay là Đài Loan và miền Nam Trung Quốc.

GS Mark Stoneking đồng tác giả liên hệ của nghiên cứu cho rằng, trái với các nghiên cứu trước đây cho thấy nguồn gốc bản địa của người Việt Nam, chúng tôi tìm thấy bằng chứng về sự giao thoa rộng rãi, trong các khoảng thời gian khác nhau, giữa người Việt Nam và các nhóm khác.”

Làm rõ sự đa dạng di truyền của người Việt

Với dữ liệu nhiều hơn và chính xác hơn, đã đưa ra phát hiện ngược lại so với một công bố về hệ gene người Kinh năm 2019, đây được xem là nghiên cứu đầy đủ nhất cho đến nay, sử dụng các phương pháp hiện đại trong phân tích dữ liệu hệ gene, nhằm làm rõ sự đa dạng về mặt di truyền của người Việt Nam.

TS Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho rằng, câu hỏi nguồn gốc người Việt là một vấn đề cực kỳ phức tạp, và ngành gene hay các ngành khác cũng “chỉ như thầy bói xem voi”. Không chỉ người Việt có nhu cầu tìm nguồn gốc, ngay gần nước ta, Thái Lan, Trung Quốc cũng đang tìm nguồn gốc chính mình… Nhiều nước đã xây dựng bộ dữ liệu gene rất đồ sộ, thậm chí có “câu lạc bộ các nước giải trình tự 100.000 đến 1 triệu bộ gene”. Còn với số lượng mẫu ít như Việt Nam hiện có, khó có thể khẳng định được điều gì về nguồn gốc ngay tại thời điểm hiện nay. Việc cho rằng gene người Việt không trùng với gene người Trung Quốc chỉ dựa trên nghiên cứu hệ gene của người Kinh, trong khi đó người Việt gồm rất nhiều tộc người khác. Nghiên cứu hệ gene của cả 22 dân tộc cho phép nhìn nhận khách quan hơn, khoa học hơn về nguồn gốc người Việt.

“Tất cả các lĩnh vực, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý, các ngành khoa học nói chung… cùng nỗ lực mới dần dần làm le lói câu trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến. Nếu không có phân tích bộ gene khảo cổ thì không giải quyết được gì”, G Nông Văn Hải cho hay.

Hà Bình

Hà Bình

BẢN DESKTOP