60 năm

Nghĩa lớn

  • Tác giả : Hữu Hưng
(khoahocdoisong.vn) -                           GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học lớn, người đặt nền móng cho ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội KH&KTVN, Chủ nhiệm Báo KH&ĐS. Dưới đây là những chia sẻ của nhà báo Hữu Hưng, nguyên Trưởng ban Biên tập Báo KH&ĐS về những kỷ niệm với GS Trần Đại Nghĩa.

Cùng một chữ Đồng
Sinh thời, GS Phan Đình Diệu - nhà Toán học Kiến thiết, chuyên gia về Ngôn ngữ máy tính có làm một bài thơ thất ngôn bát cú tặng GS.VS Trần Đại Nghĩa:
Nghĩa lớn tìm về với nước non
Buồn vui đã trải cuộc vuông tròn
Rèn tài văn võ thời phiêu bạt
Gánh việc giang sơn thuở mất còn
Tình nặng ấy chưng tình Đất nước
Nghiệp Đời há kể nghiệp vàng son
Gốc thông đứng thẳng dầu mưa nắng
Để gió lành reo ngát nước non.
Mình có vinh hạnh được phỏng vấn GS Phan Đình Diệu khi ông còn tại thế, về bài thơ " Nghĩa lớn" ông viết tặng GS.VS Trần Đại Nghĩa. Phan Giáo sư tâm sự: Tứ bài thơ nảy ra khi ông nhớ đến bài thơ vịnh cây thông của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ : 
Ngồi buồn mà trách Ông Xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…
Mình thưa, thiển nghĩ, khí chất của hai Người họ không giống nhau: Một nóng- một lạnh, một kiêu hùng- một khiêm cung, một phóng khoáng- một cẩn trọng...
GS Phan Đình Diệu bảo: Tuy nhiên, trong căn tính của hai vị vẫn có một chữ ĐỒNG, đó là tình Nhân ái, lòng yêu nước thương nòi vô hạn.
Mình chịu là chí phải. 
Với Báo KH&ĐS
 Nhớ về GS.VS. Trần Đại Nghĩa, mình cứ hình dung một ông già Nam Bộ hiền lành, chân chất. Nhưng sau này được biết nhiều hơn về ông, mình mới hiểu sự Trí- Dũng của một con người không phải chỉ qua hình thái và hành xử bề ngoài mà đánh giá được, cần phải qua những tình huống đặc biệt mới thấy được Trí -Dũng phi phàm của họ, do họ có niềm tin mạnh mẽ vào những gì lương tri  cho là lẽ phải.
Xin kể một câu chuyện mình được "tai nghe mắt thấy". Ngày ấy (sau năm 1975), GS.VS. Trần Đại Nghĩa được phân công lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam. Sau khi thắng Mỹ, giang sơn thu về một mối, "khí thế cách mạng" ngút trời, có nhà lãnh đạo cao cấp đến Viện nói chuyện với anh chị em khoa học, trong đó có mặt nhiều vị danh tiếng như: GS Nguyễn Văn Chiển, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS.VS. Nguyễn Văn Đạo, GS.VS Vũ Đình Cự.... Nhà lãnh đạo nói đại ý: Việt Nam ta đã chiến thắng Đế quốc Mỹ đầu sỏ, thì chắc chắn sẽ " đi tắt đón đầu" xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội, sớm đưa Việt Nam trở thành một "con rồng châu Á". Cả hội trường im phăng phắc. Bỗng GS. VS. Trần Đại Nghĩa đứng lên, xin có mấy lời. Ông nói, vẻ suy tư, rằng: Lãnh đạo đất nước thời chiến khác với thời bình làm kinh tế. Sau khi đưa ra những luận cứ vững vàng, ông chốt lại: Như thực tế lịch sử minh chứng: Nhật Bản, Đức... là những nước bại trận trong Thế chiến thứ hai, nhưng họ đã có sự "phát triển thần kỳ" trong xây dựng kinh tế - xã hội, trở thành những quốc gia phú cường như ngày nay. Sau khi ông nói xong, không có tiếng vỗ tay, nhưng mọi người trong hội trường đều hiểu rằng ông đã dũng cảm nói lên sự thật.
Anh chị em ở Tòa soạn Báo KH&ĐS ngày ấy (vào những năm 80-90 của thế kỷ trước) thường gọi thân mật GS.VS Trần Đại Nghĩa là Bác Nghĩa, vì vị lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam cũng là Chủ nhiệm Báo. Bác Nghĩa thật hiền lành, thân mật trong khi làm việc hay trong các buổi nói chuyện với anh chị em .
 Mình nhớ nhất một số lời dặn dò chỉ bảo của Bác đối với việc phổ biến khoa học, nâng cao dân trí mà báo cần thực hiện.
Bác tâm sự: Những ngày sống, học tập và làm việc ở Pháp cũng như một số nước đã qua hai cuộc cách mạng công nghiệp, nói chung dân họ có tư thế làm việc mà Bác gọi là " Tư thế lao động công nghiệp", khác hẳn với thói quen làm việc "con trâu đi trước cái cày theo sau" của người nông dân nước ta. Họ làm việc đúng giờ từng phút, từng giây, làm việc có kỹ năng, được đào tạo bài bản chuyên nghiệp. Còn ở ta thì " Văn chương chữ nghĩa không hay/ Về nhà bảo vợ sắm cày cho tao" ; "Sớm chưa cần, trưa chẳng vội', "làm vài đường cày, đánh chân chữ ngũ, đánh củ khoai lang , uống bát nước chè, hút thêm điếu thuốc lào..." .   Làm tới đâu hay tới đó.... Người lãnh đạo, quản lý thì nay phụ trách việc này, mai lại được điều việc khác, miễn là không bị giáng chức, hạ lương. Cứ như vậy làm sao mà " vừa hồng vừa chuyên" được. Bác Nghĩa bảo: Đây  là nếp văn hóa tối cần thiết cho người lao động ở nước ta trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày ấy, trong thời buổi chiến tranh, dân mình chưa chú ý đến kỹ năng chuyên nghiệp, đến tư thế lao động công nghiệp, đến hoạch định và thực hiện dự án... Nghe bác Nghĩa giải thích, anh chị em trong Tòa soạn nhận ra những điều mới mẻ và bổ ích lắm. Sau đấy có lập chuyên mục " Tư thế lao động khoa học".
Bác Nghĩa còn bảo: Báo khoa học nên thêm các chuyên mục về  " Bản quyền sáng chế", về "Tình báo Khoa học-Công nghệ".
Đáng tiếc, bọn mình thấy hay, nhưng làm được rất ít.
Đặc biệt, mình còn nhớ, trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, có lần Bác Nghĩa hỏi " Các cháu đã đọc cuốn sách "Bàn về chiến tranh" của tác giả người Đức Clauzơvit
chưa? ". Khái niệm " Chiến tranh nhân dân" bác tiếp thu từ cuốn sách đó trong những ngày miệt mài nghiên cứu về vũ khí ở Pháp, Đức. Rồi Bác nói về công việc sơ tán, đào hầm trú ẩn, kỹ thuật gây nhiễu cho máy bay địch, đội mũ rơm đi học...Nghe thì bình thường nhưng lại rất có hiệu quả để đối phó với chiến tranh phá hoại của địch. Được Bác chỉ đạo, bọn mình có lập chuyên mục " Khoa học Quốc phòng", trong đó giới thiệu một số kiến thức về Chiến tranh nhân dân, và về Vũ khí - khí tài hiện đại...

                             ĐẶNG HỮU HƯNG
( nguyên Trưởng ban Biên tập Báo Khoa học và Đời sống)

Hữu Hưng

BẢN DESKTOP