Sức khỏe mới

Nghi ngờ ung thư mũi xoang người bệnh cần làm các xét nghiệm nào?

  • Tác giả : BS. Đỗ Minh Ngọc-Ths.BS Đỗ Thanh Hằng
Khoang mũi và các xoang cạnh mũi được lót bởi một lớp mô sản xuất chất nhầy (niêm mạc). Niêm mạc có nhiều loại tế bào khác nhau bao gồm tế bào vảy, tế bào tuyến, tế bào thần kinh và tế bào bạch huyết (còn gọi là tế bào lympho). Ung thư có thể khởi phát từ bất kỳ tế bào nào trong số này.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, bệnh ung thư có thể không được phát hiện cho đến khi gây ra các vấn đề khiến người bệnh phải đi khám, hoặc được phát hiện tình cờ khi bác sĩ hoặc nha sĩ khám định kỳ. Với ung thư khoang mũi và các xoang cạnh mũi cần làm một số xét nghiệm dưới đây.

Khám toàn bộ đầu và cổ: Vì những người bị ung thư khoang mũi hoặc ung thư xoang cạnh mũi cũng có nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác ở vùng đầu và cổ cao hơn, nên tất cả các vùng của đầu và cổ đều sẽ được khám và kiểm tra cẩn thận để tìm các dấu hiệu của ung thư.

Sinh thiết: Một mẩu mô nhỏ ở vùng nghi ngờ ung thư sẽ được lấy ra bằng phẫu thuật hoặc dùng kim. Các mô này sẽ được kiểm tra để tìm tế bào ung thư. Đây là cách tốt nhất để biết chắc chắn người bệnh có bị ung thư hay không.

Xét nghiệm gene và protein: Tế bào ung thư trong mô sinh thiết có thể được xét nghiệm gene hoặc protein như PD-L1. Biết được gene hoặc protein của bệnh ung thư có thể giúp bác sĩ quyết định xem liệu các phương pháp điều trị như liệu pháp miễn dịch có thể hữu ích hay không.

Chụp CT: Giúp xác định liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, phổi hoặc các cơ quan khác hay chưa. Chụp CT cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ làm sinh thiết.

Chụp MRI: Được sử dụng để tìm hiểu thêm về kích thước của ung thư và cho biết tổn thương đã lan đến các cấu trúc lân cận hoặc các khu vực khác của cơ thể chưa.

Chụp X-quang: X-quang ngực có thể được thực hiện để xem ung thư đã di căn đến phổi chưa. Cũng có thể cần chụp X-quang đầu để kiểm tra kỹ lưỡng các xoang.

Chụp PET: Sử dụng một loại đường đặc biệt có thể nhìn thấy bên trong cơ thể người bệnh bằng một máy ảnh đặc biệt. Đường này sẽ hiển thị như "điểm nóng" ở nơi có ung thư. Xét nghiệm này còn có thể cho thấy khu vực ung thư di căn.

Khám răng: Kiểm tra toàn bộ và chụp X-quang răng cũng như loại bỏ bất kỳ răng sâu nào trước khi thực hiện xạ trị vì bức xạ có thể làm hỏng các tuyến nước bọt và gây khô miệng. Khô miệng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và nhiễm trùng.

Kiểm tra thính lực: Loại thuốc hóa trị phổ biến nhất được sử dụng để điều trị ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi là cisplatin, có thể gây ù tai hoặc thậm chí mất thính lực. Người bệnh có thể được kiểm tra thính lực (bằng thính lực đồ) trước khi bắt đầu điều trị và liệu pháp hóa trị của bạn có thể được thay đổi nếu có giảm thính lực.

Kiểm tra dinh dưỡng và giọng nói: Chuyên gia dinh dưỡng có thể kiểm tra tình trạng dinh dưỡng của người bệnh trước, trong và sau khi điều trị để cố gắng duy trì trọng lượng cơ thể và mức protein càng bình thường càng tốt. Chuyên gia trị liệu ngôn ngữ có thể kiểm tra khả năng nuốt và nói và cung cấp các bài tập giúp tăng cường cơ bắp để người bệnh có thể ăn uống và nói chuyện bình thường sau khi kết thúc điều trị

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu không được sử dụng để tìm ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi, nhưng có thể cho bác sĩ biết thêm về sức khỏe tổng thể, như chức năng thận hoặc gan.

Xác định giai đoạn bệnh

Nếu bị ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi, bác sĩ cần tìm hiểu xem ung thư đã di căn chưa. Đây được gọi là chẩn đoán giai đoạn. Biết được giai đoạn sẽ giúp bác sĩ quyết định loại điều trị nào là tốt nhất. Giai đoạn ung thư mô tả sự lan rộng của ung thư tại nơi khởi phát và cũng cho biết liệu ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận hoặc các cơ quan xa hơn chưa. Ung thư có thể ở giai đoạn 0, 1, 2, 3, hoặc 4. Con số này càng thấp, ung thư càng ít di căn. Con số cao hơn, có nghĩa là tình trạng ung thư nghiêm trọng hơn.

BS Đỗ Minh Ngọc-ThS.BS Đỗ Thanh Hằng (BV Ung bướu Hà Nội)

BS. Đỗ Minh Ngọc-Ths.BS Đỗ Thanh Hằng

BẢN DESKTOP