Bình luận

Nghĩ gì mà phát biểu thế?!

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho biết, trong công nghệ làm đường, không có lý do gì mà đường hỏng vì không có người đi. Đường xuống cấp nhanh như vậy chỉ có thể là lưu lượng xe quá nhiều, quá trình thi công ăn bớt nguyên vật liệu, làm không đảm bảo kỹ thuật… Một giám đốc sở mà phát ngôn rằng đường hỏng vì không có người đi là phát ngôn khó hiểu.

Đường hỏng do không có xe đi

Sáng 5/12, tại buổi thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh tình trạng hàng loạt công trình giao thông vừa đưa vào khai thác đã xuống cấp trầm trọng, bong tróc… “Đường Trần Văn Giàu, đường dẫn vào cao tốc TP HCM – Trung Lương, Nguyễn Hữu Thọ là những ví dụ”. Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường thừa nhận chất lượng công trình giao thông ở cửa ngõ thành phố kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển đang có hiện tượng xuống cấp. Một phần nguyên nhân của đường xuống cấp là do không có xe lưu thông. Ở góc độ khoa học, có khi nào xảy ra tình trạng đường không có xe lưu thông sẽ bị hỏng?

Mới nghe nói tôi đã thấy vô lý rồi. Đường ở TP HCM không thể không có người đi lại. Tôi làm về giao thông đô thị tôi biết, có những tuyến đường mỗi giờ có 20.000 người đi lại, thậm chí là có những tuyến 30.000 người đi lại trong 1 giờ.

Những tuyến đường đó theo lý thuyết là phải làm tàu điện ngầm. Tính ra mỗi phút có 400-500 người đi lại. Ở những tuyến đường vắng hơn thì cũng phải từ 5000 đến 10000 người đi lại mỗi giờ, không thể có chuyện đường không có người đi được.

Theo lý giải thì nếu đường không có người đi, nhựa đường sẽ trồi lên, gây bong tróc, điều đó có đúng?

Không có chuyện ấy. Khi đường đưa vào lưu thông, các phương tiện di chuyển đè xuống mặt đường làm cho đường cứng hơn, chắc hơn thì có. Nhưng vì không có xe đi lại nên nhựa đường trồi lên là không đúng.

Vậy thì nguyên nhân nào làm cho đường nhanh xuống cấp?

Ở nước mình, chuyện đường làm xong, dăm ba tháng, đôi ba ngày bị lún, sụt là chuyện bình thường. Là do chất lượng kém, bị rút ruột.

Quy trình làm đường là phải đảm bảo, nhưng như thế thì phải làm rất nhiều khâu chặt chẽ như làm móng, lu lèn, chống thấm, nhựa đường chất lượng như thế nào… Chỉ cần thiếu một khâu, làm không đúng chuẩn một khâu là đường sẽ có vấn đề ngay.

Vấn đề hay gặp nhất là gì ạ?

Đất yếu, nền móng yếu thì lún sụt là chuyện bình thường. Nếu nhựa đường không đảm bảo chất lượng thì đường cũng dễ bị nứt, lún. Tình trạng hay gặp nhất trong thi công đường ở Việt Nam là nhựa đường pha cát. Ít nhựa, nhiều cát, hoặc có tạp chất thì sẽ làm đường bị nứt, vỡ vì nó giòn…

Một công trình có nhiều chi phí ngoài

Đội giá công trình, dự án giao thông, hoặc đường không đảm bảo chất lượng, mới sử dụng đã hỏng, là những chuyện đã nói từ lâu, vì sao đến giờ người ta vẫn phải nhắc đến nó?

Tôi nghiên cứu về giao thông đô thị mấy chục năm, đi nhiều nước để tìm hiểu và thấy điều đó. Không chỉ tôi mà tôi tin rằng nhiều người cũng tự hiểu, ngầm hiểu rằng trong một công trình giao thông, ngoài chi phí vật liệu, nhân công thì còn nhiều thứ chi phí không hóa đơn chứng từ khác, từ đó mới nảy sinh tham nhũng, vơ vét.

Rồi nhiều công trình giao thông lộ ra bớt xén vật liệu, chất lượng xuống cấp, đường chưa đưa vào sử dụng đã hỏng… cũng là bởi có tiêu cực trong đó.

Nhưng chắc hẳn sẽ chẳng ai nhận rằng tôi có tiêu cực khi làm dự án này, con đường kia?

Đúng thế, nhưng vì có chuyện nọ chuyện kia nên mới nảy sinh tiêu cực. Giá cả thi công xây dựng các tuyến đường phải được xây dựng dựa trên thực tế, khoa học và khách quan. Lâu nay chúng ta thực hiện đấu thầu các dự án nhưng không có cái chuẩn nào.

Tôi tưởng là có chứ?

Có mà như không. Khi bên nhà thầu đưa ra mức giá thì cũng chẳng có ông hội đồng nào phản biện rằng cái giá ấy là cao hay thấp, tại sao lại cao? Còn phía nhà thầu thì có rất nhiều lý do đưa ra như do biến động của lãi suất, của đồng USD, đời sống công nhân thế kia… nhưng hội đồng đấu thầu lại không có chuẩn nào để so sánh.

Người hiểu biết họ cười cho

Như ông phân tích thì có thể thấy rằng, đường hỏng không phải do không có xe đi?

Nói như thế là không hợp lý, nó chỉ có lý trong một ý rất nhỏ thôi, nhưng điều đó không quyết định đến việc đường hỏng hay không hỏng. Tôi không hiểu sao người đứng đầu ngành giao thông thành phố lại nói như vậy. Có hay không họ chỉ nói đùa? Đường hỏng chủ yếu là do bị rút ruột, giảm bớt vật liệu, giảm bớt khâu thi công.

Nhưng lãnh đạo cũng trả lời là không có chuyện rút ruột công trình?

Một lãnh đạo ngành mà nói như thế là không hết trách nhiệm, không đúng thực tiễn, không đúng với công nghệ kỹ thuật làm đường. Cứ đi hỏi những người có chuyên môn về kỹ thuật làm đường chắc họ cũng thấy buồn cười.

Tôi chẳng hiểu sao người ta làm về giao thông mà lại ẩu thế trong lĩnh vực của mình. Vừa rồi Hà Nội cũng thông qua đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè lên gấp 3 lần hiện tại, một số tuyến phố sẽ tăng khoảng 300% so với hiện nay. Tôi thấy rất buồn cười và không đồng tình chút nào.

Vì sao thế ạ?

Việc tăng phí vỉa hè, lòng đường gấp 2-3 lần là học nguyên si bài của nước ngoài. Tức là ở nước ngoài tăng phí vỉa hè lòng đường để giảm bớt phương tiện cá nhân, thế nhưng giao thông của họ rất hiện đại, còn ở Việt Nam sao làm nổi.

Giao thông của chúng ta cũng đang từng bước hiện đại đấy chứ ạ?

Ở nước ngoài, các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm đi từ thành phố này tới thành phố khác trong thời gian ngắn. Thu nhập trung bình của người dân ở các nước phát triển toàn trên 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam trung bình chỉ từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.

Vậy, giờ gửi ô tô là 30 nghìn đồng, tăng thêm gấp 2 – 3 lần sẽ lên đến gần trăm nghìn đồng. Tương tự, xe máy cũng tăng gấp mấy lần, ai chịu nổi?

BRT, đường sắt trên cao, đầu tư nhiều tuyến buýt mới, giao thông của ta cũng dần dần thay đổi đấy chứ ạ?

Hiện phương tiện công cộng dù được cải thiện nhiều nhưng vẫn rất yếu kém, chỉ đảm bảo 8-10%. Việc đề xuất tăng giá, phí chỉ nên thực hiện từ khoảng năm 2025 hoặc 2030 khi phương tiện giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu người dân. Còn hiện nay, dù có tăng giá, phí, người dân vẫn buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân.

Xin cảm ơn ông!

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM,đường Trần Văn Giàu là đường làm mới, láng nhựa. Đường làm mới thì phải có sự kết nối đồng bộ với các tuyến đường xung quanh. Đầu năm 2014, đường Trần Văn Giàu làm xong, đã nghiệm thu bàn giao để chờ lưu thông. Tuy nhiên, lúc đó không kết nối được với Tỉnh lộ 10 tại Bình Chánh do vướng giải phóng mặt bằng nên đường Trần Văn Giàu chưa lưu thông được. Đến tháng 12-2015, thông xe toàn tuyến Trần Văn Giàu với Tỉnh lộ 10. Như vậy, hơn 1 năm đường Trần Văn Giàu đã làm xong nhưng không sử dụng. Theo nguyên tắc, đường láng nhựa khi vừa làm xong không lưu thông thì nhựa sẽ lão hóa dẫn đến cấu kết giữa nhựa và đá trong vật liệu mặt đường không đúng quy định, không đảm bảo cường độ. Do đó, khi cho lưu thông trở lại thì việc hư hỏng sẽ diễn ra nhanh hơn so bình thường.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP