Đời sống

Nghèo nhưng có quyền kiêu hãnh

Nghèo nhưng có quyền kiêu hãnh

Nghèo nhưng có quyền kiêu hãnh – chia sẻ của ông Vũ Hằng.

Nghèo có cái sướng của nghèo

Ngôi nhà của ông Vũ Hằng trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Văn Cừ, rất cổ, được xây từ năm 1931.Từ cái cổng, cái sân, cả ngôi nhà một tầng, giàn trầu không… đều gợi nhớ đến một thời xưa cũ.

Cạnh đó là ngôi nhà cao tầng mới xây của anh con trai. Con để cho ông bà riêng một tầng nhưng ông vẫn thích sống ở ngôi nhà cũ, mọi cái đều thân quen, ấm cúng và nhất là không phải leo cầu thang.

Trong nhà, phần trang trọng nhất và cũng chiếm nhiều diện tích nhất là gian thờ. Bởi ông luôn nghĩ, việc thờ cúng tổ tiên là vô cùng quan trọng. Các cụ ngày xưa đã vất vả mới có được cơ ngơi nhà xây sân gạch như ngày hôm nay.

Và một trong những điều ông tự hào là vẫn giữ được nhà, được đất của các cụ để lại. Nhiều người khuyên sao không bán bớt đất đi lấy tiền mà đi du lịch nước ngoài cho sướng.

Nhưng với ông sống thế này sung sướng hơn. Nghèo có cái sướng của nghèo là vô tư, không phải lo giữ tiền, giữ của, lương hưu của hai ông bà cũng đủ chi tiêu, không phải lo chắt chiu. Còn đi du lịch thì ông chỉ thích đi trong nước, đi khắp đất nước mình là đã thỏa mãn lắm rồi.

Ông cho tôi xem bài thơ của học trò cũ tặng, trong đó có câu:

Thời gian ngẫm vị đắng cay

Đò đầy bao chuyến, thầy nay vẫn nghèo.

Ông bảo, tự hào lắm chứ. Không phải tự hào vì mình nghèo, mà vì tình cảm của học trò, vì cả đời mình đã sống lương thiện, đã cống hiến hết mình, làm gì cũng đặt lợi ích chung lên trên hết. Thế nên, ở tuổi này ngẫm lại thấy thanh thản, không có gì phải tiếc nuối, ân hận. Tuy nghèo, nhưng có quyền kiêu hãnh.

Luôn sống hết mình

Đi bộ đội từ ngày chống Pháp. Tuổi trẻ của ông đã trải qua những năm tháng  gian khổ, khốc liệt của chiến trường. Nhưng chính những gian khổ đó đã rèn luyện ông thành người có ý chí, có nghị lực. Chính sự gian khổ khiến ông hiểu giá trị của cuộc sống bình yên.

Trở về từ chiến trường với vết thương trong người, ông theo học sư phạm rồi về dạy tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội).

Rời bỏ cây súng, lại cầm phấn đứng trên bục giảng, làm nhiệm vụ của người chèo đò. Không chỉ dạy kiến thức về sinh học, ông còn truyền cho học sinh nhiệt huyết của người lính, tình yêu quê hương, đất nước.

Những điều ông dạy cho học trò rút ra từ chính sự từng trải của bản thân vậy nên rất chân thực và giàu sức sống. Biết bao thế hệ học trò đã được ông truyền cho ngọn lửa nhiệt tình ấy.

Giờ đây về hưu đã hơn 24 năm, từng làm bí thư chi bộ, tham gia CLB người cao tuổi, làm chủ nhiệm CLB thơ Nhị Hà và tham gia các CLB thơ của phường, của quận. CLB thơ là sân chơi bổ ích cho người cao tuổi, là nơi động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Mỗi quãng đời, dù ở những vị trí khác nhau, nhưng điều xuyên suốt cuộc đời ông Vũ Hằng là luôn sống hết mình. Đến giờ, những câu thơ ông viết ra đều là những rung động chân thành nhất trong tâm hồn, những điều ông đã thực sự trải qua, đã suy ngẫm, chiêm nghiệm được.

Trong bài thơ Cùng suy ngẫm của ông có câu:

Nếu không trọn nghĩa vẹn tình

Thì không bạn tốt gia đình ấm êm.

Quả đúng như vậy. Tuổi già ai chả muốn được sống vui vẻ trong tình cảm của gia đình, bạn bè, nhưng đó là thành quả của cả một đời xây dựng và vun đắp. Ông may mắn có được những tình bạn rất đẹp: tình đồng đội, tình thày trò, tình đồng nghiệp… mà đến giờ với ông vẫn là những nguồn vui.

Nhìn ông vừa ôm trong lòng đứa cháu nội, vừa lấy ra những bức ảnh cũ từ thời mới vào bộ đội, những tập thơ đã in, hào hứng kể về những kỷ niệm, mới thấy hạnh phúc thật giản dị. Đâu cần những ước vọng viển vông, chỉ cần được sống thanh thản giữa những người thân yêu là đủ.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP