Gia đình mới

Ngạt mũi, hắt hơi, đi khám bất ngờ phát hiện sùi mào gà vùng họng

  • Tác giả : Giang Thu
Ngạt mũi, hắt hơi nên đi khám sức khỏe, người đàn ông tình cờ phát hiện u sùi mào gà khuất sau lưỡi gà, nguyên nhân do virus HPV.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nam bệnh nhân 58 tuổi đến bệnh viện khám trong tình trạng ngạt mũi, hắt hơi.

Tại bệnh viện, các bác sĩ kiểm tra nội soi họng thấy tổ chức u sùi bề mặt như súp lơ kèm giả mạc trắng kích thước nhỏ, nằm khuất phía sau lưỡi gà (phần rủ xuống của màn hầu, có cấu trúc hình giọt nước, treo xuống từ vòm miệng). Giả mạc là một lớp màng màu trắng hoặc xám nhạt xuất hiện trên bề mặt niêm mạc của cơ thể do viêm nhiễm, hoại tử mô hoặc tổn thương.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

ThS.BS Trần Thị Hoa – Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, u nhú xuất hiện thường do virus HPV (Human Papilloma virus) gây ra, phổ biến ở trên da, niêm mạc miệng, cổ họng, thanh quản, đường hô hấp hay các cơ quan sinh dục… Tuy đa số trường hợp u nhú, sùi mào gà lành tính nhưng nếu không điều trị, các u nhú sẽ lan rộng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây biến đổi tế bào, trong một số trường hợp bệnh có thể phát triển thành ung thư.

Bệnh nhân được tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ trên u nhú để kiểm tra sinh thiết, kết quả lành tính. Sau 1 tuần chờ kết quả sinh thiết, người bệnh có chỉ định phẫu thuật loại bỏ u sùi sau lưỡi gà. Sử dụng dao laser, bác sĩ tiến hành bóc tách u sùi vùng lưỡi gà và đốt laser các vùng mô có giả mạc trắng. Thao tác nhanh kết hợp laser giúp loại bỏ hoàn toàn tổ chức u sùi và cầm máu tại chỗ hiệu quả, người bệnh nhanh hồi phục và sớm xuất viện sau 2 ngày. Kết quả sinh thiết toàn bộ u nhú cho kết quả lành tính, không có tế bào ung thư.

Sùi mào gà là bệnh chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, thường xuất hiện ở khu vực hậu môn, âm đạo và phổ biến hơn ở nữ giới. Trường hợp sùi mào gà xuất hiện ở họng có thể do quan hệ không an toàn qua đường miệng, tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở hoặc dịch tiết từ người bị bệnh, dùng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm HPV nhưng rất hiếm gặp.

Ở khu vực hầu họng, rất khó phát hiện các nốt sùi mào gà. Người bệnh có thể cảm thấy vướng họng, khó chịu như có dị vật mắc trong cổ họng; đau khi nuốt thức ăn hoặc nước bọt; ho kéo dài, khàn giọng; loét miệng hoặc chảy máu; hơi thở có mùi hôi do vi khuẩn phát triển ở vùng tổn thương. Nhưng cũng có trường hợp không nhận thấy dấu hiệu bất thường nào, như bệnh nhân. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là nội soi tai mũi họng nhằm phát hiện sớm các tổn thương.

Bác sĩ Hoa nhấn mạnh, dấu hiệu sùi mào gà ở họng có thể bị nhầm lẫn triệu chứng với những bệnh lý như viêm họng, cảm lạnh… khiến người bệnh có xu hướng phát hiện muộn, có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng. Thông thường các bệnh viêm nhiễm thông thường vùng họng kéo dài trong khoảng 1 tuần, sau đó triệu chứng sẽ giảm dần. Nếu triệu chứng đau vướng họng tăng dần, hoặc kéo dài hơn 1 tuần, người bệnh nên đi kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh sùi mào gà. Sử dụng thuốc uống, thuốc bôi hay phẫu thuật loại bỏ chỉ hỗ trợ làm giảm triệu chứng, giảm cảm giác khó chịu do bệnh gây ra. Do đó, cần chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm phòng, quan hệ tình dục an toàn. Ngoài ra nên chủ động tiêm vaccine HPV cho cả nam và nữ giới, ngăn HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản…

Giang Thu

BẢN DESKTOP