Dọc đường

Ngạo nghễ nghề ngao

Giao Thủy có nghĩa là nơi giao thoa của ba dòng nước lớn tạo nên một vùng đất trù phú, giàu có. Và giờ đây, thiên nhiên lại ban tặng cho Giao Thủy những bãi bồi tiền tỷ từ nuôi ngao xuất khẩu.

Nhờ nghề nuôi ngao mà người dân vùng biển được đổi đời.

Từ thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy – Nam Định) xuôi về hướng nam chỉ vài cây số, những bãi nuôi ngao hiện ra với đủ thể loại, kích cỡ. Dưới bãi bồi, những “phu ngao” đang hì hục mò “vàng trắng”. Nghề nuôi ngao thực sự đem lại cho họ một cuộc sống mới, giàu có khoáng đạt hơn.

Lịch sử “chết”

Nhưng ít ai biết rằng, vùng nuôi ngao ở xã Giao Xuân thuộc huyện Giao Thủy xưa kia là “vùng đất chết”. Cả xã như một bãi bồi hoang dại cỏ mọc um tùm, chỉ có những loài thủy quái và sú vẹt có thể tồn tại.

Lịch sử địa lý Giao Thủy cũng ghi chép lại rõ ràng, chỉ khoảng những năm 1930 cả Giao Xuân thưa thớt ít người dám sống. Đó từng là vùng đất dữ cho những ai muốn lập nghiệp. Một bên là biển, đê điều chưa được xây dựng nên sóng lớn ập phá bỏ tất cả những gì con người gây dựng.

Nhiều người chết và mất tích tại khu vực từng được xem là bí ẩn này đã khiến con người khiếp sợ không dám dừng chân. Cả một vùng rộng lớn ngập mặn khiến hoa màu không thể phát triển.

Ông Trần Văn Tuyền – một cao niên ở xã Giao Xuân còn nhớ như in buổi “sơ khai” của vùng đất này: “Đó là nơi giao thoa của 3 dòng nước lớn nhất đại dương: Nóng – lạnh – ấm, ngọt – lợ – mặn nên tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Sau này khi chính quyền tỉnh Nam Định dốc sức quyết tâm xây dựng và gia cố hệ thống đê điều thì sự bình yên mới được bắt đầu ở vùng đất này. Sau ngày đất nước thống nhất, Giao Xuân mới thực sự quan tâm đến đê điều để phục vụ nông nghiệp. Nhưng nghề nuôi ngao mới chỉ ở mức độ tự phát chứ không tập trung quy mô như bây giờ, cả làng cả xã đều nuôi ngao.

Một góc làng ngao Giao Xuân.

Những đại gia… ngao

Giao Xuân được xem là “vựa ngao” lớn nhất nước nên cũng quy tụ nhiều tỷ phú với thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, trước đây họ chỉ là những nông dân “mót biển”, sống bằng nghề chài lưới và bắt cua trên cát khi thủy triều xuống.

Trong số đó có ông Nguyễn Văn Cửu, một đại gia ngao nổi tiếng nhất Nam Định. Hiện tỷ phú này đang có trong tay 42 ha bãi bồi nuôi ngao và tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức lương 4 – 5 triệu đồng/tháng. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, cuộc sống khó khăn. Năm 1980 phục viên về làng, Cửu vác cuốc đi làm thuê rồi đi “mót biển” nhưng vẫn nghèo. Mãi đến năm 1989, anh mới liều lĩnh vay tiền đi “du lịch” các tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam xem tại sao người ta giàu?

Đến Bến Tre, Cửu thấy con ngao quý như “vàng trắng” trong khi ngao ở quê mình chỉ để cải thiện bữa ăn. Anh tức tốc về quê mở đại lý thu gom ngao bán sang Trung Quốc. Chỉ một năm sau, anh đã thành tỷ phú và bắt đầu giúp vùng quê nghèo ấy trở nên giàu có hơn.

Ông Phạm Văn Thực cũng là một trong số những “vua ngao” ở vùng biển này. Sở hữu trong tay gần 70 ha bãi nuôi ngao kéo dài từ đầu đến cuối xã nên nhiều lúc, người ta gọi ông là “địa chủ ngao”. Điều đáng quý là ông Thực luôn tìm ra thị trường mới cho thương hiệu ngao Giao Thủy.

Khác với ông Thực, ông Đinh Văn Hòe tuy có diện tích ít hơn nhưng tiền thu về từ ngao không hề thua kém nhờ xây dựng được thương hiệu riêng cho ngao sạch và xuất khẩu hàng sang các nước Châu Âu và Mỹ La tinh. Mỗi năm, trừ tiền nhân công và các khoản chi phí khác, ông Hòe cũng thu về vài chục tỷ đồng từ nghề nuôi ngao theo công nghệ mới này.

Giá ngao dao động theo mùa và theo năm.

“Muốn giàu phải khoa học”

Đó là khẳng định của “vua ngao” Nguyễn Văn Cửu khi trại giống của ông mỗi năm xuất ra thị trường trên 3 tỉ con ngao giống. Để đạt được con số trên 3 tỉ con không hề đơn giản khi quê hương ông vẫn giữ tập quán nuôi ngao kiểu manh mún, tự phát.

Năm 2004, ông Cửu nghĩ ra cách tạo giống ngao nhân tạo bằng công nghệ thân thiện với môi trường. Sau khi tham dự xây dựng dự án nuôi ngao M.meretrix từ nguồn sống sinh sản nhân tạo, ông được cấp gần 20 ha đất bãi bồi và thực hiện thí điểm dưới sự hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.

Tuy nhiên, công nghệ M.meretrix vẫn bộc lộ những nhược điểm dù mỗi lứa cũng cho ra trên 3,5 triệu ngao giống. Ông Cửu lại tìm tòi ra cách nuôi ngao hữu hiệu hơn: “Theo công nghệ của Viện thủy sản thì nguồn nước đưa vào phải tiệt trùng nhưng tôi quyết định dùng nguồn nước tự nhiên. Vì sau bao nhiêu tác động như bão gió, triều cường ngao vẫn phát triển được”.

Sau đó, ông Cửu cùng các kỹ sư nông nghiệp đã không ngừng nghiên cứu công nghệ thích hợp. Nuôi ngao luôn có nỗi lo thiếu giống nên khó bền vững, “bắt mạch” thị trường nên ông Cửu mở rộng bãi bồi đưa công nghệ mới nhất nên số ngao giống đủ để cấp cho cả tỉnh Nam Định và các vùng lân cận.

Thu hoạch ngao thịt.

Cuộc chiến với “ngao tặc”

Tuy nghề nuôi ngao đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng rủi ro tiềm ẩn cùng những phức tạp luôn vây bủa. Mùa mưa bão là mối nguy lớn nhất đối với bãi ngao, bởi khi ấy bãi ngao bị vỡ đưa ra biển tất cả những gì mà người nông dân đã gây dựng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều bãi ngao bị thiệt hại không phải do thiên nhiên mà do chính con người gây ra. Khi giá ngao ngày càng tăng cao, nhiều kẻ hám lợi đã lợi dụng sự mất cảnh giác của nông dân để trục lợi.

Theo chủ các hộ nuôi ngao thì, bọn “ngao tặc” có đủ thứ đồ nghề để cướp “vàng trắng”. Có khi, chúng dùng thuyền áp sát bãi ngao và lấy đi số lượng lớn ngao thịt. Kh ingười dân phát hiện ra thì chúng bỏ chạy.

Có những hộ lại bị “ngao tặc” hoành hành theo kiểu phá hoại chòi canh, bất chấp tất cả để cướp đi mồ hôi công sức của các hộ nuôi ngao.

Nhờ nuôi ngao, người dân “vùng đất chết” không chỉ thoát nghèo, họ đã trở thành những tỷ phú và tạo được nhiều việc làm cho lao động trong và ngoài vùng phụ cận. Mỗi hộ nuôi ngao cũng thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm và họ có điều kiện để nuôi dạy con cái học hành và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP