Thời sự

Ngành Y tế càng khó khăn, càng đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ

  • Tác giả : Thúy Nga
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ tin tưởng cán bộ y tế toàn ngành sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ…

Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Ngành y tế đã vượt và đạt cả 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo; tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của người dân, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế toàn Ngành nên nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước trong năm 2022. Nổi bật là:

Hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, trong đó vượt 02/03 chỉ tiêu được giao về số bác sỹ/vạn dân (11,5 bác sỹ) và số giường bệnh/vạn dân (31 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (92,03%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao (13/16 chỉ tiêu).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị

Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện. Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15. Đồng thời, Bộ Y tế đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của Ngành như: Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh,…

Tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại của Ngành, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị, về bảo hiểm y tế, về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng…và xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của Ngành.

Dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, tập trung cùng với chính quyền địa phương nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, Adenovirus, tay chân miệng…).

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế.

Tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, góp phần giảm tải bệnh viện.

Tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế….

Trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp để bảo đảm công tác y tế dịp Tết, phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Đoàn kết vượt qua khó khăn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục, nhất là khi Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn khó lường, khó dự báo; Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện;

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn còn; nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân;

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra;

Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu; Công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài; cơ cấu bệnh tật thay đổi, quy mô dân số gia tăng, tác động của dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraina…. đã và đang tạo sức ép rất lớn đối với công tác y tế.

Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 cũng như những năm tới đối với ngành Y tế là rất nặng nề.

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân để ngành Y tế phục hồi và phát triển bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong thời gian tới.

“Tôi tin tưởng rằng tất cả cán bộ y tế toàn Ngành sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ toàn ngành” – Bộ trưởng nhấn mạnh

Thúy Nga

BẢN DESKTOP