Ngân hàng

Ngân sách dùng tăng vốn điều lệ ngân hàng chỉ là giải pháp tạm thời

  • Tác giả : Tuấn Thuỷ
(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng cần mở rộng quy mô vốn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đồng thời đảm bảo tuân thủ an toàn vốn theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN), việc tăng vốn lại vướng phải những điều kiện pháp lý khi bổ sung vốn từ Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Muốn tăng vốn phải... sửa quy định

Nếu tính theo chuẩn mực Basel II (theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN), tính đến thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ vốn an toàn (CAR) bình quân của các NHTMNN là 9%, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước là 13%. Riêng tỷ lệ CAR của Agribank chỉ đạt 6,9%, còn cách xa yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.

Hiện, các NHTMNN đang nỗ lực tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu về chỉ số an toàn vốn. Vietcombank và VietinBank sẽ được tăng khoảng 10.000 tỷ đồng. Còn với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.

Agribank là Ngân hàng Thương mại (NHTM) do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, nên chỉ có thể tăng vốn từ NSNN nếu không thực hiện cổ phần hoá. Tuy nhiên, Nghị quyết số 25 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016 – 2020 có quy định “Không sử dụng Ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại”. Chính vì vướng mắc này, Thủ tướng Chính phủ không thể quyết định được, phải trình Quốc hội về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn vốn NSNN.

Còn với VietinBank là ngân hàng thực hiện cổ phần hóa sớm, Nhà nước nắm giữ 64,46% vốn điều lệ. Nhưng ngân hàng này đã dùng hết các dư địa mà cơ chế Nhà nước cho phép, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này cũng đã được lấp đầy. Hiện tại Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành liên quan đã trình Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn cho Vietinbank.

Theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (2014) quy định chỉ có một số loại hình doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Trong đó, NHTM Nhà nước giữ cổ phần chi phối không nằm trong danh mục về lĩnh vực được bổ sung vốn để giữ tỷ lệ vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (Theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP).

Do đó, muốn tăng vốn cho Vietinbank, các cơ quan chức năng phải sửa đổi cơ sở pháp lý, Nghị định 91, 32 và các văn bản pháp lý liên quan. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91/2015 và phải hoàn thành trong tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định sửa đổi vẫn đang là dự thảo.

Tăng vốn chỉ "giảm đau" trong ngắn hạn

Theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ số CAR cao hay thấp là phụ thuộc vào số vốn tự có, hay còn gọi vốn điều lệ trên tử số và tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng (RWA – Risk Weighted Assets) dưới mẫu số quyết định. Trong RWA, phần quan trọng chính là số dư của các khoản phải đòi, dự phòng và hệ số rủi ro của khoản phải đòi tương ứng.

Như vậy, để tăng chỉ số CAR và đáp ứng chuẩn Basel II, ngân hàng không nhất thiết chỉ tăng vốn trên tử số, mà có thể giảm RWA ở dưới mẫu số. Muốn giảm RWA, ngân hàng phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt là giảm các khoản nợ xấu.

Theo TS Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, khi một ngân hàng muốn thay đổi mẫu số là RWA, ngân hàng đó phải cơ cấu lại tài sản của họ để giảm nợ xấu. Điều này không dễ thực hiện, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của ngân hàng.

Đặc biệt, NHTMNN ngoài mục tiêu lợi nhuận, còn phải “gánh” thêm nhiều nhiệm vụ của Nhà nước, như thực hiện các gói cho vay hỗ trợ. Thay vì cơ cấu lại tài sản, ngân hàng chọn giải pháp dễ thực hiện hơn là tìm cách để bổ sung vốn tự có, đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.

Cần lưu ý, bên cạnh việc luôn nhấn mạnh đến lợi ích của tăng vốn để cải thiện chỉ số CAR, các ngân hàng cũng phải chú trọng hơn đến việc quản lý nợ xấu, minh bạch thông tin tài chính để giảm RWA giúp cho quá trình tăng vốn điều lệ thuận lợi hơn.

Trường hợp được tăng vốn, nhưng quản trị rủi ro kém, nợ xấu tăng, dẫn đến RWA cũng tăng theo thì chỉ số CAR vẫn không được cải thiện, không đạt được mức tăng đúng theo quy định. Vì vậy, vấn đề cốt lõi để tiến hành cải thiện CAR là quản lý nợ xấu, còn tăng vốn tự có chỉ là giải pháp tình thế, như "liều thuốc giảm đau" trong ngắn hạn.

Về dài hạn, Ngân hàng nên thực hiện cổ phần hoá và giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, dù Nhà nước cũng cần nắm cổ phần chi phối ở các ngân hàng này, để tăng vốn điều lệ mà không ảnh hưởng đến ngân sách, đồng thời nâng cao năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng. Thực hiện được cả hai điều này sẽ hạn chế sự phụ thuộc vào "thuốc giảm đau" từ ngân sách Nhà nước.

Tuấn Thuỷ

BẢN DESKTOP